UBND tỉnh Thái Bình, Cà Mau quyết định mở cửa trường học sớm nhất trong cả nước, cho học sinh THPT và lớp 9 đi học từ ngày 20/4. Ngoài ra, Vĩnh Long, Hải Dương cho học sinh mầm non, tiểu học, nghỉ học; học sinh lớp 9 và lớp 12 quay lại trường học từ 27/4.
Trả lời Tiền Phong, lãnh đạo các Sở GD&ĐT thuộc nhóm địa phương có ít nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng cho biết, họ đã đưa ra nhiều kịch bản để học sinh quay lại trường học trong cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới. Ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, đang xây dựng 2 phương án chuẩn bị cho việc học sinh quay lại trường học. Đầu tiên, dự kiến học sinh khối THPT đi học trước, sau 1 tuần đến các khối còn lại. Phương án 2 dự kiến chỉ khối lớp 9 và lớp 12 đi học lại từ đầu tháng 5, sau đó đến các khối lớp khác.
Các địa phương như Cao Bằng, Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Nam, Yên Bái, Phú Yên cũng dự kiến thời điểm mở cửa trường học vào đầu tháng 5 tới.
Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng… chưa thể xác định được thời điểm tới trường. Hiện học sinh Hà Nội mới được thông báo nghỉ học đến 22/4; TPHCM đề xuất nghỉ học đến 3/5. Trong khi, với học sinh cuối cấp, kỳ thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT đang dự tính sẽ diễn ra vào ngày 8-11/8. Điều này đồng nghĩa với việc, học sinh các địa phương này tiếp tục phải học truyền hình, trực tuyến để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng.
Nhiều giáo viên, học sinh nói rằng, học qua truyền hình thực ra là xem tivi vì thầy cô chỉ giảng một chiều, không có sự tương tác, không hiệu quả. Học trực tuyến có tương tác với giáo viên nhưng cũng còn nhiều hạn chế, học sinh không có cơ hội tranh luận đến cùng để giải quyết một bài Toán, bài Vật lý… với giáo viên như dạy trên lớp. Như vậy, nơi học sinh được đi học nơi chưa thể xác định được thời gian nào liệu có đảm bảo công bằng, khách quan cho học sinh giữa các địa phương năm nay?
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie - Curie (Hà Nội) cho rằng, sau này, khi đi học trở lại nhà trường sẽ nỗ lực dạy bù, học bù để bù đắp kiến thức. Theo thầy Khang, lâu nay dù các địa phương đều dạy học trực tuyến nhưng điều kiện hạ tầng giữa các nơi khác nhau, thậm chí có nơi học sinh chưa được học do đó không thể đảm bảo công bằng khách quan cho từng học sinh. Do đó, thời điểm này, bằng những nỗ lực khác nhau, các nhà trường đảm bảo dạy kiến thức cơ bản để hoàn thành chương trình.
“Nếu có một vài địa phương kết thúc dịch bệnh muộn, Bộ GD&ĐT sẽ phải có hướng dẫn cụ thể, không quá lo lắng về vấn đề này”, ông nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, về nguyên tắc Bộ chỉ ban hành khung chương trình năm học. Đến thời điểm này, Bộ đã điều chỉnh khung, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện kế hoạch năm học và quyết định việc học sinh đi học trở lại thời điểm nào nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn cho học sinh, giáo viên.
Ông Thành cũng khẳng định, để dạy học qua truyền hình, trực tuyến có hiệu quả cần có 5 yếu tố gồm: cơ sở hạ tầng kỹ thuật; chỉ đạo sát sao của Sở, hiệu trưởng; giáo viên có tâm huyết và sự chủ động của người học. Hiện nay, nhiều thầy cô giáo có cách làm rất sáng tạo để truyền thụ, đánh giá kiến thức. Ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa các nhà trường đã vận dụng mô hình phối hợp giáo viên, đoàn thanh niên đến tận nhà giao nhận bài.
“Vì thế, có thể nói, trong điều kiện dịch bệnh nhưng chúng ta cùng nỗ lực thực hiện hết sức các yếu tố kể trên cũng đạt hiệu quả. Còn trong quá trình thực hiện nếu nơi nào đó còn có khó khăn, Bộ sẽ có hướng dẫn thêm”, ông Thành nói.