“Trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, vũ khí và đạn dược đã được chuyển đến Ukraine từ 20 quốc gia, trong đó có 16 quốc gia là thành viên NATO. Sau khi bắt đầu chiến dịch, số lượng nguồn cung và số quốc gia viện trợ đã tăng lên đáng kể”, Ủy ban cho biết trong một thông cáo báo chí.
Thời gian gần đây, Ukraine đã bắt đầu nhận được các loại vũ khí có thông số cao hơn và tầm bắn xa hơn.
“Chúng bao gồm các hệ thống tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không vác vai, hệ thống pháo, lựu pháo, bệ phóng loạt, xe bọc thép, xe tăng, trực thăng, máy bay không người lái, tàu lặn và xuồng không người lái.”
Trước đó, hãng thông tấn AP dẫn một nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý định gửi yêu cầu tới Quốc hội để cấp hơn 24 tỷ đô la cho Kiev, trong bối cảnh dư luận Mỹ có dấu hiệu giảm bớt ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Đề xuất bao gồm hơn 13 tỷ đô la hỗ trợ an ninh, 7,3 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraine, 3,3 tỷ đô la nhằm cấp vốn phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga.
Ông Leonid Slutsky - lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga cho biết việc Washington phân bổ ngân sách để viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và dẫn đến thương vong cho người dân Ukraine.
“Việc đó sẽ không thể tác động đến kết quả cuối cùng. Ngay cả Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng đánh bại quân đội Nga. Và vấn đề không phải là Kiev thiếu vũ khí, mà là Nga không thể bị đánh bại!", ông Slutsky nhấn mạnh.