Lính Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 24 chuẩn bị thử một máy bay không người lái FPV mới trong khu vực huấn luyện ở Donetsk ngày 3/8. (Ảnh: Getty) |
Trong tuần này xuất hiện đoạn video ghi lại hình ảnh chiếc máy bay không người lái gắn camera ghi hình (FPV) đâm sầm vào vật có vẻ là T-90M của Nga, loại xe tăng tiên tiến trị giá ước tính 4,5 triệu USD, trong khi chiếc FPV chỉ có giá vài trăm đô la.
Những thước phim do camera gắn máy bay không người lái ghi lại như vậy đang trở nên rất phổ biến, cho thấy năng lực này đã phát triển đến mức nào. Mục tiêu của máy bay không người lái không chỉ là xe tăng mà cả phương tiện vận chuyển quân, xe chiến đấu bộ binh, xe tải tiếp tế và đạn dược.
Sự phổ biến của máy bay không người lái trái ngược hoàn toàn với sự vắng mặt của những chiếc máy bay quân sự có người lái ở vùng chiến sự, do nguy cơ bị bắn rơi rất cao.
Giá mỗi FPV như trên dao động từ 400 – 500 USD, tương đương một bộ máy chơi game Playstation.
Được gắn chất nổ, FPV giá rẻ có thể làm hỏng các hệ thống chiến đấu và gây tê liệt hoạt động tiếp tế và hậu cần quan trọng sau tiền tuyến, khiến đối phương phải trả giá đắt hơn.
Samuel Bendett, chuyên gia về công nghệ và quốc phòng Nga tại Trung tâm Phân tích hải (Mỹ), nói với tờ Business Insider: “Yếu tố quan trọng nhất là chi phí. Đây là cách cực kỳ hiệu quả về chi phí".
Những chiếc máy bay không người lái FPV đang được sử dụng ở Ukraine cơ bản là phương tiện bay nghiệp dư, có khung dài từ 13-23cm, nặng 0,5-3kg.
Những máy bay không người lái phục vụ sở thích đua tốc độ cao thường được lắp bộ phận có nguồn gốc từ Trung Quốc và các thị trường khác. Chúng được gắn thêm đầu đạn chứa chất nổ hoặc lựu đạn chống tăng.
Người điều khiển chúng phải đeo kính chuyên biệt, để có cái nhìn trực diện về chiến trường do camera ghi lại và sử dụng thiết bị điều khiển từ xa để di chuyển phương tiện này.
Dù đây chỉ là thiết bị một chiều và sẽ phát nổ khi va chạm, nhưng hệ thống điều khiển có thể tái sử dụng, và mỗi người có thể điều khiển nhiều máy bay không người lái trong suốt trận chiến, khiến nhóm điều khiển trở thành mục tiêu bị săn lùng nhiều hơn bản thân chiếc máy bay không người lái.
Những chiếc FPV mà cả quân Ukraine và Nga đang sử dụng đến từ nhiều công ty và nhóm tình nguyện. Chính phủ Ukraine đang hỗ trợ nhiều công ty và cá nhân tham gia chương trình chế tạo và phát triển máy bay không người lái.
Các nhóm phi lợi nhuận như Escadrone hay nhà báo về công nghệ cao David Hambling cung cấp tới 1.500 chiếc FPV mỗi tháng cho quân đội Ukraine.
Máy bay không người lái Pegasus của Escadrone đạt tốc độ tối đa khoảng 96km /giờ, có giá dao động từ 341 - 462 USD. Trong khi đó, mỗi chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ tương tự do hãng Switchblade của Mỹ chế tạo có giá lên đến 60.000 - 80.000 USD.
Điểm yếu
Thiết bị không người lái đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc xung đột hiện nay. Ukraine cũng được đánh giá cao về nỗ lực chế tạo và sử dụng thiết bị không người lái.
Quân đội Ukraine dùng máy bay không người lái để trinh sát và giám sát, phối hợp và điều chỉnh hỏa lực pháo binh gián tiếp, thả lựu đạn vào các phương tiện và lực lượng mặt đất, kích nổ mìn từ xa và các thiết bị nổ ngẫu hứng gắn trên phương tiện, đồng thời tấn công nhiều mục tiêu.
Bên cạnh đó, Ukraine còn sử dụng máy bay không người lái để sơ tán binh lính bị thương, gài mìn và điều khiển xuồng cao tốc không người lái để tấn công tàu chiến Nga và các mục tiêu khác.
FPV đang chứng tỏ là mối đe dọa đáng kể cho cả hai bên. Tuy nhiên, máy bay không người lái cũng dễ bị tổn thương trước nhiều biện pháp đối phó, nhất là tác chiến điện tử và gây nhiễu.
Hồi tháng 5, một báo cáo của Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh tiết lộ rằng quân đội Ukraine mất tới 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng. Không rõ FPV có được tính vào con số này hay không.
Một báo cáo của viện này cho biết, dọc theo tiền tuyến trải dài hàng trăm dặm, Nga đặt nhiều hệ thống tác chiến điện tử cách nhau khoảng 10km, để vô hiệu hóa máy bay không người lái của Ukraine bằng cách phá vỡ hoặc chặn tín hiệu giữa thiết bị với người điều khiển.