Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 10 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị vào trưa chiều mai (15/9), với gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Từ sáng mai (15/9), trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-8, đến trưa và chiều tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15.
Với sức gió trên, cơn bão này được xếp vào mức độ rủi ro thiên tai đạt cấp 4- mức cảnh báo rủi ro lớn nhất với các cơn bão trên biển Đông từ trước tới nay. Điều đáng lo ngại là các khu vực sâu trong đất liền vẫn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.
Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng bão có khả năng cao trên 1m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lên khoảng 2 m, thậm chí cao hơn 2 m.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, hệ thống đê biển ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ chỉ đảm bảo an toàn với bão cấp 8-10, triều trung bình 5%. Trong đó, hiện có 16 đoạn đê với tổng chiều dài 83km và 39 cống xung yếu.
Ngoài ra, hệ thống đê biển còn có 4 công trình đang thi công dở dang là ở Thái Bình 1 điểm (gia cố mặt đê đoạn đê biển 7); Nam Định 2 điểm (đang gia cố kênh trước cống số 4 và sửa chữa mái kè Cồn Tròn bị bong xô) và Hà Tĩnh 1 điểm (đang gia cố mái đê Kỳ Ninh, đắp đất 2 bên mang cống Đồng Khẩu ở thị xã Kỳ Anh).
Ngoài ra, hệ thống đê sông (từ cấp III trở lên) ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ với tổng chiều dài hơn 2.700 km cũng có tới 195 trọng điểm xung yếu, đặc biệt ở địa phương trọng điểm như Thanh Hóa 20 điểm, Nghệ An 3 điểm và Hà Tĩnh 4 điểm.
Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai- ông Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý tuyến đê biển. Theo ông Cường, thời điểm này, với các tỉnh trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp của bão đang có triều cường cao nhất trong năm, trong khi tuyến đê chỉ chịu được sóng gió 9-10, nhưng bão mạnh cấp 12, giật tới cấp 15.
"Các địa phương phải lên phương án với phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng vật lực khi sự cố đê biển xảy ra”- ông Cường nói.
Ngoài ra, với lượng mưa do bão số 10 gây ra, đặc biệt là vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị lượng mưa có thể hơn 400mm, đe doạ rất lớn đến độ an toàn của hàng trăm hồ đập ở các địa phương nói trên.
Hiện có 266 hồ chứa xung yếu (Bắc bộ có 83 hồ, Bắc Trung bộ 83 hồ), trong đó, có 26 hồ chứa (Bắc bộ 14 hồ, Bắc Trung bộ 12 hồ) được xếp diện đặc biệt quan tâm, vì khi mưa lũ lớn, có thể nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào.