Sóng biển cao 10 mét, nước biển dâng 5-6 mét
Tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp ứng phó với bão số 10, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khoảng 7 sáng nay (14/9), bão số 10 đang nằm trên vùng biển đông nam quần đảo Hoàng Sa, với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Theo ông Cường, với tốc độ khoảng 20 km/h như hiện nay, khoảng trưa chiều, tối mai (15/9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cương quyết di dời dân khỏi vùng nguy hiểm trong hôm nay
Tuy nhiên, ông Cường cho biết, khoảng sáng mai, vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đã mạnh lên, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Bão số 10 sẽ gây lượng mưa lớn từ hôm nay đến hết ngày mai 15/9, lượng mưa 100-300 mm, vùng Nam Thanh Hóa đến đến Quảng Trị đến 300-400 mm, có nơi trên 400mm.
Từ ngày mai đến hết ngày 16/9, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa 50-150mm, có nơi trên 200 mm.
Ông Cường lưu ý, lúc bão vào nước dâng và sóng biển sẽ lên cao nhất trong năm nay. Riêng từ Hà Tĩnh-Quảng Bình nước sẽ dâng lên hơn 2 mét, thậm chí lên đến 4 mét kế hợp với thủy triều.
Sóng biển ngoài khơi lên đến 10 mét, vùng ven bờ, nhất là Nghệ An, Quảng Trị lên cao đến 5-6 mét. “Trước đây, hiện tượng vỡ tàu thuyền rất nhiều khi nước rút, nên công tác phòng chống đáng lưu ý”- ông Cường nói.
Cấm biển, cương quyết di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng nay đã thông báo, kiểm đếm hướng dẫn cho hơn 69.500 tàu với trên 287.300 lao động vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, hiện trong khu vực nguy hiểm (từ vĩ tuyến 13 đến 19, gồm cả quần đảo Hoàng Sa), vẫn còn 4.679 tàu/27.864 lao động đang hoạt động. Các phương tiện trên đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 10 và đang chủ động di chuyển, trú tránh.
Đáng lo ngại, đến sáng nay vẫn còn 3 tàu/33 lao động của Thanh Hóa hoạt động khu vực vịnh Bắc bộ đến nay vẫn chưa liên lạc được.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương, tập trung liên lạc, bằng mọi cách phải đưa tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải trú tránh hoặc về bờ an toàn trong chiều tối nay.
Các địa phương hết sức lưu ý sắp xếp an toàn các phương tiện khi đã vào bờ, tránh để xảy ra thiệt hại, tính mạng con người khi đã vào bờ. “Chúng tôi yêu cầu các vùng biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần cấm biển ngay”- ông Cường nói.
Đối với các tỉnh trọng điểm từ Nghệ An đến Quảng Trị, ông Cường yêu cầu tổng rà soát phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Riêng tuyến đê biển đặc biệt lưu ý, vì đây là tháng triều cường cao nhất trong năm và là những ngày cao nhất trong tháng, các địa phương cần rà soát các điểm xung yếu, đã vật tư, trang thiết bị, phương án sẵn sàng khi xảy ra sự cố.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng dừng các hoạt động không cần thiết, tập trung cho phòng chống bão. Đặc biệt lưu ý, phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là ở lồng bè, chòi canh, nơi nuôi trồng thủy sản, cửa sông, cửa biển, nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét…thậm chí, cần thiết phải áp dụng cưỡng chế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt đi lại qua vùng tâm bão.