Trung tướng công an nói về tinh gọn bộ máy Bộ Công an

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an. Ảnh: Mps.gov.vn
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an. Ảnh: Mps.gov.vn
Cho rằng tinh gọn bộ máy Bộ Công an là "một cuộc cách mạng về mặt tổ chức", Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho rằng tinh gọn bộ máy như vậy phải xác định sự "hy sinh".

Thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị, Bộ Công an đã tích cực, chủ động đi đầu trong tinh gọn bộ máy, đồng thời đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Lực lượng công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn; khắc phục được chồng chéo, chia cắt, tăng cường cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), đánh giá việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an thể hiện tính tích cực, chủ động, tính gương mẫu đi đầu của Bộ Công an trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị.

Kế thừa có chọn lọc ưu điểm của tổ chức bộ máy Bộ Công an từ trước đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án 106 "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 về "Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

"Đây là nghị quyết mang tính lịch sử để chỉ đạo lực lượng công an nhân dân đổi mới tổ chức, bộ máy được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế. Chúng ta có thể thấy Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị như "ngọn đuốc sáng soi đường" để Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và toàn bộ lực lượng công an nhân dân triển khai đổi mới bộ máy" - Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Nghị quyết 22 chỉ ra bộ máy công an thời gian qua đã cơ bản đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, nhưng trước tình hình mới và yêu cầu của Đảng về tinh gọn bộ máy, nghị quyết đã đưa ra mục tiêu, yêu cầu, phương hướng và những lộ trình, bước đi hết sức cụ thể để đảm bảo bộ máy công an nhân dân vừa tinh gọn vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã có nhiều chủ trương, biện pháp để tổ chức thực hiện, đảm bảo kết quả rất tốt trong thực tiễn.

Ngày 6-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01-NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo Nghị định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi, tổ chức bộ máy Bộ Công an được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, việc ban hành và công bố Nghị định 01 là "bước tiến quan trọng" trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tinh giản bộ máy. Bên cạnh đó, có thể thấy Đề án 106, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Nghị định 01 của Chính phủ được người dân rất quan tâm, hoàn toàn ủng hộ về phương hướng tinh gọn bộ máy.

Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã chính thức công bố kế hoạch cắt giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Ở cấp địa phương, 20 cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở địa phương sau một thời gian thành lập, nay cũng được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức công an cấp tỉnh, cấp huyện; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội.

Các đơn vị cấp cục sẽ được sắp xếp lại theo nguyên tắc các đơn vị tương đồng về chức năng nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có sự phối hợp thì sáp nhập, hợp nhất, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chính. Cũng tại các đơn vị cấp cục sẽ thực hiện việc giảm các đầu mối đơn vị cấp phòng. Lực lượng công an cấp xã, thị trấn sẽ được xây dựng theo hướng tinh nhuệ, chính quy. Nếu tính cả Bộ Công an và địa phương thì có khoảng 800 đơn vị cấp phòng sẽ bị cắt giảm.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, đây được coi là "một cuộc cách mạng về mặt tổ chức", không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà còn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

"Tất nhiên chúng ta phải xác định tinh gọn bộ máy như vậy phải xác định sự "hy sinh". Có những cục sáp nhập từ nhiều cục lại, sáp nhập nhiều đầu mối lại, chỉ còn hơn 50 đầu mối cấp cục so với trước đây là hơn 100 đầu mối cấp cục, trong khi đó nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn" - Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nói, đồng thời nhấn mạnh, có một yêu cầu rất quan trọng, tinh giản bộ máy nhưng phải đảm bảo hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an ngày tăng hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng phải đảm bảo yêu cầu công an nhân dân làm nòng cốt trong phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, một trong những đổi mới đáng chú ý nữa là xây dựng công an xã, thị trấn chính quy; trước mắt, bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc sau khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, đảm bảo cho lực lượng công an nhân dân gần dân hơn, bảo vệ nhân dân tốt hơn, đồng thời cũng để nhân dân chở che, giúp đỡ, đùm bọc, thương yêu lực lượng công an.

"Đây là chủ trương đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là phải tính toán không tăng biên chế nào trong suốt quá trình tổ chức triển khai đưa công an chính quy về làm công an xã, đồng thời phải giải quyết nhiều vấn đề. Số công an viên phải tính toán cho phù hợp vì trong thời gian qua, nhân dân rất biết ơn lực lượng công an xã, họ ở ngay gần sát với nhân dân, "thở hơi thở cùng nhân dân", thường xuyên lo lắng trật tự an ninh trên địa bàn cơ sở. Nay chúng ta bố trí công an chính quy về cơ sở thì phải làm như nào để có mối quan hệ tốt với chính quyền, Đảng ủy địa phương, ban, ngành, đặc biệt kết hợp tốt lực lượng trị an tại cơ sở với công an chính quy. Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng" - Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Theo Theo TTXVN
MỚI - NÓNG