CIC có thể nói là một trong những bộ máy quan trọng trong hệ thống hoạt động tài chính của Ngân hàng Nhà nước, giúp bộ máy Ngân hàng Nhà nước nắm bắt thông tin và hoạt động được hiệu quả, hạn chế các tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi – một trong những vấn đề tài chính đáng lo ngại của quốc gia.
Dự án Hệ thống HTKH được CIC và nhà thầu TECAPRO bắt đầu thực hiện từ tháng 01/2018. Sau hơn 6 tháng triển khai, đến nay tất cả các hạng mục của dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Đây là hệ thống sử dụng công nghệ cao và có tính bảo mật quốc gia.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Đỗ Hoàng Phong – Giám đốc CIC cho biết: Hoạt động thông tin tín dụng là một trong ba trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Vì vậy, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của NHNN, CIC đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó CIC chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Cụ thể, theo ông Phong, hiện CIC đã nâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu; nguồn thông tin đã mở rộng tới 100% các TCTD, kể cả các tổ chức có quy mô nhỏ như Quỹ TDND, Tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức ngoài ngành.
“Với tổng số khách hàng vay lưu trữ đã đạt trên 36,6 triệu khách hàng, độ sâu thông tin là 7/8 điểm, độ phủ thông tin là 51% trên số người trưởng thành, cao hơn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và nhóm các nước OECD. Số lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho NHNN và các TCTD đã đạt trên 18 triệu báo cáo năm 2017 và trên 10 triệu báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2018”. Ông Phong cho biết.
Với Hệ thống này, CIC có thể đáp ứng được các yêu cầu: Tích hợp đa dạng các kênh tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ, phù hợp với xu thế liên lạc hiện nay bao gồm: điện thoại, thư điện tử, web chat...; Tích hợp chức năng hỗ trợ việc tiếp nhận và tự động giải đáp một số yêu cầu ngoài giờ hành chính thông qua phân hệ trả lời tự động và lời Xây dựng hệ thống lưu trữ, ghi âm nội dung các cuộc gọi cho phép giám sát, kiểm tra, kiểm soát công tác hỗ trợ khách hàng của cán bộ thực hiện để kịp thời điều chỉnh. Tra cứu các thông tin tín dụng cơ bản liên quan của khách hàng có yêu cầu hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu xử lý thắc mắc, khiếu nại nhanh chính xác.
Với hệ thống công nghệ mới trong dự án FSMIMS và sự chủ động của CIC trong việc áp dụng phương thức cung cấp thông tin mới hiện đại (host to host), thời gian truy xuất thông tin đã giảm xuống dưới 10 giây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng khai thác thông tin nhanh, hiệu quả và với chi phí hợp lý. Cùng đó, CIC phát triển hoạt động hỗ trợ khách hàng từ tháng 02/2014 để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người sử dụng dịch vụ.
Qua 03 năm triển khai hoạt động này, CIC ghi nhận số lượng yêu cầu hỗ trợ từ khách hàng trung bình là 300-500 yêu cầu/ngày, khoảng 5000 yêu cầu/tháng. Dự báo trong thời gian tới số lượng yêu cầu hỗ trợ của khách hàng tiếp tục tăng cao nhiều lần khi CIC chính thức mở rộng hoạt động dịch vụ trực tiếp tới tất cả khách hàng vay trên toàn quốc.
Dự án này là sự cam kết của CIC lấy sự hài lòng của khách hàng làm trung tâm, tập trung các nguồn lực để triển khai, đồng thời khi hệ thống chính thức đưa vào vận hành, CIC sẽ đảm bảo được 02 yếu tố cốt lõi của hệ thống HTKH là “Thời gian” và “sự chuyên nghiệp”.