Trung tâm mua sắm tài sản công có 'chặn cửa' doanh nghiệp nhỏ?

Bệnh viện Tim Hà Nội đang đề xuất được tự chủ đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng thiết bị, vật tư cho bệnh viện.
Bệnh viện Tim Hà Nội đang đề xuất được tự chủ đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng thiết bị, vật tư cho bệnh viện.
TP - Tháng 9/2017, Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội) tổ chức đấu thầu gói mua sắm vật tư thay thế, cấy ghép nhân tạo cho các bệnh viện trên địa bàn. Trước khi kết quả được công bố, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị loại bỏ bởi quy định hợp đồng chứng minh năng lực. Mặt khác, khung giá liên danh trúng thầu đưa ra cao dẫn đến nhiều bệnh viện chưa chấp nhận đàm phán hợp đồng.

Tiêu chí “làm khó” doanh nghiệp?

Thực hiện chủ trương đấu thầu mua sắm tập trung của thành phố, tháng 9/2017, Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính tổ chức mời thầu, nhận hồ sơ, mở phiên đấu thầu Gói thầu số 3, mua sắm vật tư thay thế, cấy ghép nhân tạo cho các bệnh viện toàn thành phố. Theo phản ánh của một số đơn vị tham gia đấu thầu tập trung, hồ sơ mời thầu (HSMT) do đơn vị tổ chức đưa ra có nhiều quy định không phù hợp, dẫn đến làm mất đi cơ hội cạnh tranh sòng phẳng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ dự thầu.

Cụ thể, tại khoản 3.2, Mục 2.1, Chương III có Bảng chỉ tiêu đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, đơn vị tổ chức đấu thầu yêu cầu,  “doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đạt tối thiểu là 420.000.000.000/năm (trong 3 năm gần nhất 2014, 2015, 2016). Các nhà thầu độc lập và liên doanh buộc phải đảm bảo tiêu chí này…”.

Ở mục kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hoá yêu cầu, đơn vị dự thầu đưa ra hợp đồng có giá trị tối thiểu 140 tỷ đồng (trong 3 năm gần nhất 2014, 2015, 2016). Ngoài ra, ở mục chỉ dẫn nhà thầu 17.2 nêu, nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy ủy quyền của hãng phân phối (kèm theo tài liệu chứng minh của nhà phân phối). Tuy nhiên, theo Thông tư 05/2015 của Bộ KH&ĐT, thì các mặt hàng đã phổ biến thì quy định trên không cần thiết.

Mục tiêu của chủ trương đấu thầu tập trung là lựa chọn các nhà thầu có giá cạnh tranh giúp giảm sức ép kinh phí cho người bệnh, đồng thời đảm bảo tính liên tục cung ứng vật tư cho các bệnh viện. Tuy nhiên, theo bảng kê chi tiết hàng hóa theo đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, mức giá nhà thầu được chọn qua phiên đấu thầu tập trung của một số bệnh viện cho thấy, nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế tăng từ 9 - 15% so với giá đấu thầu năm 2016. Do không đồng ý với mức giá liên danh trúng thầu được phê duyệt, đến thời điểm này nhiều bệnh viện vẫn chưa thực hiện việc thương thảo, ký kết hợp đồng với các đơn vị thuộc liên danh trúng thầu gồm: Cty CP Armephaco - Cty TNHH Đầu tư và Thương mại Lake side Việt Nam - Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Việt Thái - Cty CP Dược phẩm Thống Nhất. Thậm chí, có bệnh viện đã kiến nghị được tự mua sắm vật tư đảm bảo tính cạnh tranh, chất lượng, tiến độ cung ứng.

Số đơn vị thương thảo hợp đồng mới đạt 70%

Để làm rõ vụ việc trên, ngày 19/10, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính, về quy trình tiếp nhận HSMT, chấm thầu Gói thầu số 3, mua sắm vật tư thay thế, cấy ghép nhân tạo năm 2017. Theo ông Tuân, việc tiếp nhận hồ sơ và chấm thầu gói thầu số 3 đã được tiến hành công khai, trong quá trình nhận HSMT, 20 ngày sau khi có kết quả chấm thầu, Trung tâm không nhận được ý kiến phản hồi nào từ doanh nghiệp. Về nội dung yêu cầu doanh thu của các đơn vị dự thầu phải đạt 420 tỷ đồng/năm (trong 3 năm 2014, 2015, 2016), ông Tuân cho rằng, Trung tâm thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư 05 của Bộ KH&ĐT. Gói thầu số 3 có giá trị được phê duyệt gần 300 tỷ đồng nên việc áp yêu cầu doanh thu trung bình năm 420 tỷ là phù hợp.

Về tiêu chí hợp đồng có giá trị cung cấp vật tư y tế tối thiểu đạt 140 tỷ/năm đối với các đơn vị dự thầu, ông Tuân cho biết, yêu cầu này được đưa ra như biện pháp để sàng lọc, lựa chọn ra những đơn vị đủ năng lực tham gia gói thầu giá trị lớn, đồng thời đảm bảo quy định tại Thông tư 05. Tuy nhiên, người đứng đầu Trung tâm cho rằng yêu cầu này không “chặn” cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia dự thầu với lý do, nhà thầu đơn lẻ được phép lập liên danh không giới hạn số lượng miễn sao đủ con số yêu cầu.

Đối với nội dung nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy ủy quyền của hãng phân phối, trong khi Thông tư 05 không quy định với hàng hóa thông dụng trên thị trường. Trao đổi với PV, ông Hoàng Tuân thừa nhận có sự việc trên, nhưng ông Tuân khẳng định, đây không phải là tiêu chí để đánh giá Hồ sơ dự thầu đạt hay không đạt, nội dung này chỉ được xem xét khi đơn vị trúng thầu tiến hành thương thảo hợp đồng trực tiếp với bệnh viện.  Trung tâm chỉ có chức năng mở thầu, lựa chọn nhà thầu cung ứng còn việc ký hợp đồng là do đơn vị trúng thầu thương thảo với bệnh viện, tất cả các bước đều thực hiện minh bạch. Kết quả đấu thầu năm 2017 cho thấy, gói cung ứng vật tư y tế giảm so với đăng ký hơn 26 tỷ đồng, gói thiết bị y tế giảm 5,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả đấu thầu tập trung vật tư, thiết bị y tế năm 2016 cho thấy, số lượng đề xuất của các bệnh viện hầu hết bị giảm, nhưng giá ký hợp đồng thường cao hơn giá dự kiến 9 - 15%, từ đó dẫn đến việc tổng gói mua thiết bị của đơn vị giảm, nhưng thực tế vật tư lại mua giá cao hơn dự kiến. Ví dụ, một bệnh viện đăng ký mua 10 chai Hexanios G+R hoặc tương đương, giá dự kiến 377.000đ, nhưng được duyệt 8, với giá ký hợp đồng là 407.200đ. Hay như một bệnh viện đăng ký mua phần mềm nội soi tai mũi họng theo giá hợp đồng 16,2 triệu đồng (giá dự kiến 15 triệu đồng), nhưng lại không được thực hiện, do nhà thầu không cung cấp. Năm 2017, những thiết bị y tế lĩnh vực tim mạch giá chào ký hợp đồng cũng chênh tăng thêm so với khung giá dự kiến. Cụ thể, máy phá rung tim có tạo nhịp ngoài, giá hợp đồng 220 triệu đồng (giá dự kiến 200 triệu đồng). Máy làm ấm máu, ấm dịch truyền, giá hợp đồng 30,9 triệu đồng (giá dự kiến 24 triệu đồng)…

Khẳng định đấu thầu tập trung đang giúp các bệnh viện tiết kiệm tối đa kinh phí, nhưng ông Hoàng Tuân xác nhận, đến thời điểm này số lượng các đơn vị ký hợp đồng gói thầu thiết bị y tế năm 2017 mới đạt 70%. Gói vật tư y tế chấm thầu tháng 9/2017, nhiều đơn vị chưa thương thảo hợp đồng với liên danh trúng thầu. Trong số này, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có văn bản đề xuất được tự mua sắm, bởi bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính, sử dụng nhiều thiết bị, vật tư đặc trưng. Ông Tuân cho biết, quan điểm của Trung tâm là ủng hộ cho các bệnh viện có đặc thù riêng được tự mua sắm, vì kết quả rà soát cho thấy, phần lớn các loại mạch và thiết bị liên quan đến tim mạch đều tập trung về Bệnh viện Tim, các viện khác chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Trung tâm sẽ thống kê, báo cáo thành phố những đơn vị xin cơ chế đặc thù để thành phố xem xét...

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu y tế cho biết, đối với các thiết bị chuyên ngành tim, mạch, phổi…, nên cho bệnh viện chuyên ngành tự chủ bởi họ hiểu về chất lượng, xuất xứ đảm bảo mức giá cạnh tranh và chất lượng. Việc đấu thầu thiết bị, vật tư y tế tập trung rất khó giảm chi phí, bởi các tổng thầu phải đi đàm phán với nhà thầu phụ nên việc giá bị đẩy lên là điều khó tránh.

MỚI - NÓNG