Trung tâm điều dưỡng 68 tỷ 'quên' làm lối vào

Lối mòn vào TTĐDNCC tỉnh Đắk Lắk vẫn lầy lội sau nhiều ngày nắng
Lối mòn vào TTĐDNCC tỉnh Đắk Lắk vẫn lầy lội sau nhiều ngày nắng
TP - Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 8km, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Đắk Lắk được xây dựng khang trang bề thế, bàn giao cho Sở LĐ,TB&XH tỉnh từ cuối năm 2018, nhưng tới nay vẫn chưa đón được người có công nào đến, chỉ vì... không có đường vào. 

Sau Lâm Đồng, Đắk Lắk là tỉnh thứ hai trên Tây Nguyên được Bộ LĐ,TB&XH rót vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Điều dưỡng người có công (TTĐDNCC). Tuy nhiên, trong khi TTĐDNCC Lâm Đồng hoạt động quy củ, hiệu quả từ lâu, thì Đắk Lắk vẫn đang lãng phí nguồn vốn quý giá này.

Theo tìm hiểu, năm 2014 Bộ LĐ,TB&XH phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng TTĐDNCC tỉnh Đắk Lắk, giao Sở LĐ,TB&XH Đắk Lắk làm chủ đầu tư, mục tiêu là “đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người có công tỉnh Đắk Lắk”. Với quy mô 72 giường, trung tâm có 1 khối nhà điều hành 2 tầng, 2 nhà điều dưỡng 1 tầng, 2 nhà bảo vệ, nhà để xe, sân đường, cổng, tường rào, điện ngoài nhà, trạm biến áp, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, bể nước, trang thiết bị... Công trình xây dựng dân dụng cấp III này được xây trên diện tích đất rộng gần 2,9 ha, tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột; tổng vốn đầu tư hơn 68,3 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Thừa báo cáo, chỉ thiếu... tiền!

Giữa tháng 3/2017, Sở LĐ,TB&XH Đắk Lắk có Công văn số 348 gửi UBND tỉnh, báo cáo công trình khởi công từ năm 2015, dự kiến cuối năm 2017 khánh thành. Từ điểm rẽ nối Quốc lộ 14 vào trung tâm chưa có đường giao thông, chỉ có lối mòn tự phát của công nhân đi cạo mủ cao su, do đó để trung tâm đi vào hoạt động, tỉnh cần bố trí 20 tỷ đồng để làm 1km đường. Tháng 6/2017, Sở LĐ,TB&XH có báo cáo về dự án mang tên “Đường giao thông vào TTĐDNCC tỉnh Đắk Lắk”. Theo đó, kinh phí làm 1km đường bê tông, lòng rộng 15m này giảm xuống còn gần 15 tỷ đồng.

Gần 3 năm qua, UBND tỉnh và các sở ngành liên quan đã ban hành khá nhiều công văn về con đường này. Riêng Sở KH&ĐT đã đề nghị Sở LĐ,TB&XH lập hàng chục bộ hồ sơ, tờ trình để Sở KH&ĐT xem xét, tham mưu. Giấy tờ đủ loại về đoạn đường 1km đã chồng chất, tuy nhiên tới nay “lối mòn của công nhân cạo mủ cao su” vẫn nguyên trạng. Công trình xây dựng và bàn giao xong từ lâu mà tỉnh Đắk Lắk vẫn phải gửi các đoàn người có công đến cơ sở điều dưỡng tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa. Trong khi đó, 12 cán bộ nhân viên được Sở LĐTB&XH điều qua trung tâm từ cuối năm 2018, hằng ngày vẫn phải chạy xe máy 16km cả đi lẫn về. “Mùa mưa, chúng em phải gửi xe xắn quần lội bùn xuyên rừng cao su vào đây trực. Chả có ai để phục vụ, ngồi không mà còn thấy mệt hơn được làm việc đấy, chị ạ!”, một nhân viên trung tâm buồn bã than.

Phóng viên Tiền Phong tìm đến tận nơi, trước cổng TTĐDNCC chỉ thấy những đàn bò ung dung gặm cỏ. Vào trong, phóng viên được cán bộ trung tâm đưa đi tham quan rồi mở cho xem đài phun nước giữa sân. “Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn mở cho nước phun để kiểm tra thiết bị, kẻo lâu không dùng nó hỏng hết”, vị cán bộ giải thích.

Trả lời báo Tiền Phong về việc bao giờ TTĐDNCC mới có thể đi vào hoạt động, ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh cho biết, trong năm 2020 tỉnh sẽ bố trí được 15 tỷ đồng làm đường nối từ QL14 vào trung tâm, như chỉ đạo mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện tỉnh đã cấp cho sở hơn 459 triệu đồng để thực hiện các phần việc chuẩn bị đầu tư dự án làm đường. “Đường xong lúc nào, trung tâm sẵn sàng phục vụ ngay lúc đó”, ông Hùng khẳng định. 

MỚI - NÓNG