Trung Quốc xua tàu chiến Mỹ ở biển Đông

Tàu USS John McCain của Mỹ trong một lần hiện diện ở biển Đông. Ảnh: US Navy
Tàu USS John McCain của Mỹ trong một lần hiện diện ở biển Đông. Ảnh: US Navy
TP - Trung Quốc hôm qua tuyên bố quân đội nước này đã “đuổi” một tàu khu trục Mỹ trên biển Đông, hành động đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.   

Trung Quốc nói rằng bộ chỉ huy Quân khu Miền đông của nước này đã xua đuổi tàu khu trục Mỹ USS John S. McCain khi con tàu này đi qua khu vực tranh chấp trên biển Đông. Đại tá Tian Junli, phát ngôn viên của quân khu, nói rằng bộ chỉ huy Quân khu Miền đông đã “huy động các đơn vị trên biển và trên không ra xua đuổi con tàu”, China Daily đưa tin.

Sự việc xảy ra sau khi Trung Quốc thông báo tàu sân bay Sơn Đông của nước này đang tiến vào biển Đông để tập trận, sau khi đi qua eo biển Đài Loan hôm 20/12.

Trung Quốc có yêu sách phi lý đối với hầu hết biển Đông, còn Mỹ đã khẳng định quan điểm coi tất cả những yêu sách của Bắc Kinh ở khu vực này là trái luật quốc tế. Thông báo của Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu McCain đang triển khai hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông. Tuần trước, tàu này tham gia chiến dịch diễn tập chống chiến tranh tàu ngầm cùng một tàu ngầm Pháp và một tàu sân bay Nhật Bản trên biển Philippines.

“Ngày 22/12, tàu USS John S. McCain khẳng định các quyền hàng hải và quyền tự do ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chiến dịch tự do hàng hải này duy trì các quyền tự do và quyền sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế thừa nhận bằng cách thách thức những hạn chế đi lại vô hại”, thông báo viết.

Tuyên bố của Mỹ nói rằng những yêu sách rộng khắp trái pháp luật trên biển Đông đe dọa nghiêm trọng “quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và không bị cản trở, và quyền tự do về cơ hội kinh tế của các quốc gia ven biển Đông…”.

Tháng 4 năm nay, Trung Quốc cũng ngang nhiên điều tàu và máy bay ra bám đuôi và xua một tàu chiến của Mỹ tiến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vì cáo buộc tàu Mỹ thực hiện “hành động khiêu khích” và vi phạm cái mà Bắc Kinh gọi là chủ quyền của nước này.

Thêm nhiều công ty bị trừng phạt

Ngày 21/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố danh sách hàng chục công ty Trung Quốc, trong đó có nhiều công ty trong ngành hàng không, bị cấm mua công nghệ Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo mở rộng hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc.

Danh sách các công ty có sản phẩm mà “bên sử dụng cuối cùng là quân đội” (MEU) do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra gồm 58 công ty Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC).

“Hành động này tạo ra quy trình mới để xác định người dùng cuối cùng là quân đội trong danh sách MEU nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu sàng lọc khách hàng”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói.

Hầu hết các công ty trong danh sách MEU lần này hoạt động trong ngành hàng không và vũ trụ, nhưng cũng có một số cơ quan trong ngành khác như Phòng thí nghiệm phân tích độc tố thuộc Viện Dược lý và độc chất, và Viện Hải dương thứ hai, một đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc. 

Cũng trong ngày 21/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo các biện pháp hạn chế thị thực mới đối với những quan chức Trung Quốc bị phía Mỹ cáo buộc lạm dụng nhân quyền ở Hong Kong.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nếu không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý. Việt Nam cũng đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt các hành động có thể gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

MỚI - NÓNG