Đây là lần đầu tiên trong 75 năm qua, có một quốc gia không phải Mỹ, Liên Xô hay Nga trở thành một trong hai cường quốc xuất khẩu vũ khí. Bản báo cáo được công bố hôm 27-1, mặc dù các nhà làm báo cáo thừa nhận dữ liệu mà họ có về quy mô sản xuất vũ khí ở Trung Quốc là khá hạn chế. Tuy nhiên có khả năng Trung Quốc đã đạt vị trí thứ hai trước năm 2020, khi các thành tựu của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí Trung Quốc thường xuyên vượt qua dự báo của các nhà phân tích phương Tây trong thập kỷ vừa qua. Viện nghiên cứu của Thụy Điển được nói là đã đi đến kết luận dựa trên dữ liệu hạn chế có sẵn từ bốn nhà thầu quốc phòng hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn công nghiệp miền bắc Trung Quốc (NORINCO), Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) và Tập đoàn công nghiệp miền nam Trung Quốc (CSGC)
Điều đáng ghi nhận, theo Military Watch, là quy mô của một nhà thầu sản xuất vũ khí được tính toán dựa trên doanh thu của số vũ khí bán ra, hơn là số lượng sản xuất. Hệ đo lường này có vẻ thiên vị các nhà sản xuất ít hiệu quả hơn (về mặt kinh tế) và đặc biệt những nhà thầu ở các nước trả lương cao hơn thường định giá sản phẩm cao hơn nhiều. Nếu tính cả sự khác biệt về sức mua, các nhà thầu sản xuất vũ khí Trung Quốc có thể được định giá cao hơn khá nhiều và với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân như một số năm qua, nước này có thể giành lấy vị trí số một từ tay Mỹ trong một số năm tới.
Các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đã phát triển từ cấp độ tầm trung lên cấp độ dẫn đầu thế giới trong một thập kỷ qua, và được cho là dẫn đầu thế giới về chất lượng ở một số khía cạnh. Các loại vũ khí nổi bật mà Trung Quốc để lại dấu ấn là tiêm kích tàng hình J-20, drone trinh sát siêu thanh WZ-8, tên lửa hành trình YJ-18 và tàu khu trục Type- 055, đều được xem là thuộc top đầu trong lĩnh vực của chúng.