Sức mạnh quân sự Trung Quốc đáng sợ hơn phương Tây vẫn nghĩ

Ảnh: China News
Ảnh: China News
TPO - Tính ưu việt của phương Tây đang ngày càng bị đe dọa cả trên đất liền, trên biển và thậm chí trong không gian mạng.

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tiết lộ một khía cạnh mới của nước này với thế giới, cho thấy nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không chỉ là một cường quốc kinh tế mà đã bước vào trường an ninh quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc phấn đấu hướng tới sở hữu các lực lượng vũ trang được hiện đại hóa vào năm 2035 và một quân đội bản lĩnh hàng đầu vào năm 2050 có khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến. Những khởi đầu khiêm tốn của lực lượng này trong năm 1927 như một nhóm bộ binh được huấn luyện tồi đã không còn nữa.

Bắt đầu từ năm 2012 (bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên trên cương vị chủ tịch Trung Quốc), ông Tập Cận Bình đã bắt tay thực hiện kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2050, nhấn mạnh rằng “Trung Quốc phải áp dụng tài năng, học thuyết, khoa học và công nghệ quân sự hạng nhất để xây dựng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) thành lực lượng quân đội hàng đầu thế giới”.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã trải qua những cuộc cải cách nhằm chống lại tình trạng hoạt động kém hiệu quả, trong đó có việc hợp nhất các công ty quốc phòng hiện tại để giúp những thực thể này có khả năng cạnh tranh với các gã khổng lồ về công nghiệp quốc phòng của nước ngoài.

Trong năm 2017, các trung tâm cải cách khu vực đã được thành lập để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hải quân và hàng không. Sự hội nhập quân sự-dân sự đã được đẩy nhanh vào năm 2015, và tới 2017 đã đạt được động lực mới với việc thành lập Ủy ban phát triển quân sự - dân sự hợp nhất.

Cũng trong năm 2017, Trung Quốc đã mở rộng ngành quốc phòng của nước này cho các doanh nghiệp bằng cách lần đầu công bố hơn 3.000 bằng sáng chế quốc phòng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn mở thầu cho các thỏa thuận mua sắm trang thiết bị và thành lập Ủy ban chỉ đạo và nghiên cứu khoa học quân sự như một phiên bản của Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) vốn phát triển các công nghệ mới cho quân đội.

Tất cả những kế hoạch trên chắc chắn là tốn kém. Tuy nhiên, mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng 7,1% giữa năm 2016 và 2017, tương đương hơn 150 tỷ USD hàng năm.

Những cải cách gần đây chưa thể cho thấy kết quả ngay lập tức hoặc thậm chí trong vài năm tới. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì trước việc PLA ngày nay không còn tụt hậu xa so với phương Tây trong một số lĩnh vực công nghệ quốc phòng nhất định. Những cải cách nói trên là nhằm thúc đẩy sáng kiến quốc phòng hiện nay của Trung Quốc.

Đáng chú ý là Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc trang bị các tên lửa tiên tiến cho máy bay tiêm kích, trong đó các máy bay chiến đầu tàng hình đầu tiên như chiếc J-20 – loại sắp được đưa vào sử dụng. Như vậy sự ưu việt của phương Tây ở trên không đang ngày càng bị đe dọa.

Trung Quốc giờ đây cũng có thể đang dẫn đầu trong cuộc đua hướng tới phát triển các phương tiện siêu thanh (HGV) mặc dù hải quân Mỹ hồi tháng 11/2017 đã tuyên bố phóng thử thiết bị siêu thanh của mình từ bãi thử ở Hawaii trên Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh còn là nhà xuất khẩu lớn với việc tăng cường xuất khẩu các vũ khí hạng nặng và máy bay không người lái có vũ trang, trước hết lấp khoảng trống thị trường – nơi phương Tây không hoặc sẽ không xuất khẩu công nghệ như vậy, chẳng hạn tới các nước ở Trung Đông và Trung Á.

Sức mạnh hải quân của Trung Quốc cũng đang gia tăng, với việc đưa vào sử dụng tàu tuần dương Type-055 của hải quân PLA và tiếp tục hoàn thiện việc đóng tàu sân bay bản địa đầu tiên. Bên cạnh đó, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Thương II Type-093A đầu tiên mới đây đã bắt đầu hoạt động và Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển hạm đội tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân.

Thực tế việc tổng trọng tải của các tàu chiến mới và thiết bị phụ trợ được Trung Quốc triển khai trong riêng 4 năm qua lớn hơn nhiều so với tổng trọng tải của hải quân Pháp dẫn tới nghi ngờ tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát các vùng biển khu vực và có lẽ cả quốc tế.

Trung Quốc cũng đang giành được chỗ đứng trong cuộc chiến tranh mạng, không gian và điện tử cũng như các lĩnh vực máy tính lượng tử. Lực lượng hỗ trợ chiến lược (SSF) của PLA hoàn toàn cống hiến cho các năng lực chiến tranh không gian, mạng và điện tử. Trung Quốc đã phát minh ra các tên lửa chống vệ tinh đã qua thử nghiệm có khả năng phá hủy các hệ thống liên lạc của kẻ thù và cho biết họ quan tâm tới việc phát triển các thiết bị phóng mới nhằm hỗ trợ cho loạt tên lửa mới.

Trọng tâm của các năng lực không quân, hải quân, không gian và mạng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các nước trong khu vực và phương Tây, và xác định lĩnh vực trên biển, trên không và không gian mạng là những nơi có khả năng xảy ra xung đột nhất trong tương lai.

Mặc dù Trung Quốc đạt được những tiến bộ trên và gia tăng số lượng tàu thuyền, máy bay, tên lửa, vệ tinh, song vẫn còn quá sớm để cho rằng ưu thế quân sự của Trung Quốc trên toàn cầu là không thể tránh khỏi.

Thách thức ở phía trước

Thứ nhất, mặc dù động lực thúc đẩy đổi mới đòi hỏi phải có ngân sách quốc phòng lớn và nền kinh tế lành mạnh song nền kinh tế chậm lại của Trung Quốc sẽ gây trở ngại nếu sự đổi mới trong nước không mang lại hiệu quả và cạnh tranh hơn. Mặc dù không còn phụ thuộc vào việc chuyển giao công nghệ quân sự nước ngoài nữa, song Trung Quốc vẫn dựa vào các công nghệ cao cấp hơn như động cơ máy bay từ nước ngoài.

Thứ hai, các tàu thuyền và máy bay sẽ trở nên vô dụng nếu chúng không thể được vận hành. PLA đã không có kinh nghiệm chiến đấu kể từ cuối những năm 1970 và vẫn chỉ học hỏi kinh nghiệm qua các cuộc tập trận chung, hoạt động gìn giữ hòa bình...

Do vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo tập huấn mới tập trung vào chiến đấu và các chiến dịch chung cũng như chính sách mới nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của PLA. Nhưng tới nay ít ai biết về điều đó.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.