Trung Quốc với tham vọng 6 tàu sân bay

Tàu Type 001A
Tàu Type 001A
TPO - Trung Quốc đang tiến lên phía trước với việc đóng con tàu sân bay thứ ba chỉ trong một thập kỷ, thể hiện mức độ tham vọng đại dương của Bắc Kinh.

Một loạt ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu Giang Nam gần đây được một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc công bố cho thấy tốc độ đóng tàu sân bay Type 002. Những hình ảnh này tiết lộ những chi tiết về một xưởng đóng tàu quân sự điển hình. Nếu các bản tin trước đó là chính xác, tàu Type 002 sẽ lớn hơn và nặng hơn nhiều so với tàu tiền bối (tàu Type 001A đang chạy thử và dự kiến đưa vào biên chế hải quân trong năm nay). Tàu Type 002 được cho là có lượng choán nước 85.000 tấn, trong khi tàu Type 001A có lượng choán nước 60-70.000 tấn. Nhiều người Trung Quốc cho rằng tàu sân bay tự đóng thứ hai có hệ thống lực đẩy công ước (tức là không phải tàu sân bay hạt nhân) nhưng các chi tiết kỹ thuật của tàu chưa được công bố.

Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất trong việc phát triển tàu Type 002 là tốc độ đóng tàu chóng mặt bởi người ta đã lên kế hoạch chuyển giao tàu cho hải quân Trung Quốc vào năm 2022, theo bài của National Interest. Tàu tiền bối gần nhất của Type 002 là Type 001A, được khởi đóng năm 2013 và nay vẫn còn đang trong giai đoạn chạy thử. Ngay cả tàu lâu năm nhất là Liêu Ninh (Type 001) cho mãi đến 2016 mới được tuyên bố là bắt đầu sẵn sàng chiến đấu, sau một thời gian dài chạy thử, tái trang bị.

Hơn nữa, hải quân Trung Quốc được nói là đã có kế hoạch cho tàu “hậu bối” của tàu Type 002: đó là tàu sân bay hạt nhân lớp Type 003. Tống Trọng Bình, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói với SCMP rằng tàu Type 002 có thể là tàu cuối cùng của Trung Quốc sử dụng động cơ công ước: “Type 002 có thể là tàu cuối cùng (sử dụng động cơ công ước), bởi vì Trung Quốc sau đó sẽ đóng nhiều tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân”.

Điều này nghe có vẻ hợp lý khi nhiều người đã băn khoăn vì sao Trung Quốc vội đóng tàu Type 002 mà không chờ xem hoạt động của tàu Type 001A ra sao để còn rút kinh nghiệm.

 Có nhiều yếu tố giải thích cho việc này. Thứ nhất là tàu Type 002 trang bị hệ thống phóng máy bay đang được đóng dựa trên nền tảng hoàn toàn khác nếu so với tàu rẻ hơn và ít phức tạp hơn là tàu Type 001 và Type 001A trang bị kiểu phóng máy bay đường băng ngắn. Việc phát triển tàu 002 là một thách thức thiết kế khác hoàn toàn đối với nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nên có lẽ họ không cảm thấy có điểm chung kỹ thuật giữa hai dự án để có thể điều chỉnh thiết kế tàu Type 002.

Trung Quốc với tham vọng 6 tàu sân bay ảnh 1 Không ảnh chụp xưởng đóng tàu Giang Nam

Hơn nữa, kiểu cách đóng tàu này cũng tương thích với học thuyết phát triển quân sự của Trung Quốc. Như các nhà phân tích quân sự Trung Quốc thường nói, “truyền thống của Trung Quốc là có một lớp tàu đang hoạt động, một lớp tàu mới hơn đang phát triển và một thế hệ kế tiếp đang trong giai đoạn nghiên cứu”. Trong thực tế, Không quân Trung Quốc hiện đang theo đuổi một chu trình chế tạo gần như tương tự: Trong khi bụi còn chưa kịp bám nhiều trên máy bay thế hệ 5 J-20 thì họ đã sẵn sàng phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 6 và thậm chí đang bắt tay nghiên cứu thế hệ máy bay kế tiếp.

Tốc độ phát triển tàu sân bay của Trung Quốc nhằm so kè với Mỹ trong cuộc đua hàng không mẫu hạm phản án nỗi tức giận từ lâu, sự mất mặt trong cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ Ba (1995-1996) với sự hiện diện của nhiều tàu sân bay Mỹ ở eo biển Đài Loan. Đó là động cơ để Trung Quốc cố gắng tăng tốc với mục tiêu có 6 tàu sân bay vào năm 2035.

MỚI - NÓNG