Trung Quốc từ chối, Việt Nam thành bãi thải của thế giới?

Trung Quốc từ chối, Việt Nam thành bãi thải của thế giới?
TPO - Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ cuối 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến các nước phát triển tìm các thị trường mới như Việt Nam. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng phế liệu nhập khẩu thời gian qua.

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp liên ngành tìm giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Theo báo cáo công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tổng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng 2 lần so với khối lượng nhập khẩu 2016.

Trong đó khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ là những phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần. Đặc biệt chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, khối  lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến 2 lần so với cả năm 2017. Tính đến 26/6/2018 số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại Tân cảng Sài Gòn là 4480 container, trong đó riêng cảng Cát Lái là 3.464 container. Tại Hải Phòng, đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container.

Nguyên nhân khách quan của tình trạng tồn đọng, theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu phải tìm đối tác khác, thị trường khác như Việt Nam, Malaysia. Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Về nguyên nhân chủ quan, những khe hở trong quản lý khiến cho việc tồn tại các container phế liệu nhập khẩu không chủ. Theo ông Hoàng Văn Thức, xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng ký địa chỉ ma nhưng cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy chuẩn nên cơ quan hải quan không thể liên hệ được. Nhiều địa chỉ ghi trên mạng nhưng khi tìm đến thì không có. Vì thế, một số lượng lớn container tồn tại tồn đọng lâu ngày, có thể tồn đọng đến 5-6 năm mà không có người đến nhận.

Cũng theo ông Thức, Việt Nam hiện chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển, sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về. “Đây là một tồn tại rất lớn”, ông Thức nói.

Theo nhận định của Tổng cục Môi trường, thông tin từ một số hãng tàu lớn cho thấy hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do các hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang tìm hướng giải quyết số lượng container tồn đọng tại các cảng.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.