Trong bối cảnh căng thẳng với Ấn Độ, Lục quân và Không quân Trung Quốc lần đầu tiên thiết lập một hệ thống phòng không liên hợp ở đâu đó gần với biên giới Ấn Độ, theo các tin tức.
Hindustan Times trích dẫn Nhật báo Giải phóng quân (PLA Daily), cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, nói rằng hệ thống phòng không kết hợp đã được thiết lập tại Bộ chỉ huy quân khu phía Tây, đơn vị hiện đang thảo luận về tranh chấp biên giới ở khu vực Ladakh với quân đội Ấn Độ.
Hồi tháng 2, quân đội hai nước đã đồng ý rút quân khỏi khu vực hồ Pangong Tso ở phía đông Ladakh và tiếp tục thảo luận nhằm xoa dịu căng thẳng ở các cuộc xung đột khác.
Cho dù vậy, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai vũ khí tiên tiến gần đường kiểm soát thực tế (LAC), biên giới trên thực tế trên dãy Himalaya chia cắt hai nước.
Đầu tháng này, EA Times đã đưa tin về việc Trung Quốc triển khai các tên lửa tấn công chính xác tầm xa tiên tiến gần LAC.
Theo Hindustan Times, đây là lần đầu tiên PLA đưa các đơn vị phòng không của lục quân vào chuỗi chỉ huy không quân tại Bộ chỉ huy Quân khu phía Tây.
PLA Daily đưa tin: "Sự tích hợp các hệ thống phòng không vào các nhánh của lực lượng là một bước đi vững chắc để tăng cường các hoạt động chung”.
Động thái này đồng bộ với ý tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc huấn luyện quân sự đa nhiệm cho quân đội PLA.
Vòng đàm phán cấp chỉ huy nòng cốt lần thứ 10 giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra vào ngày 20/2 sau khi hai bên rút hoàn toàn binh lính tiền tuyến khỏi bờ hồ Pangong Tso.
Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ 11 diễn ra ngày 9/4 đã không thu được kết quả tích cực nào.
Kể từ năm ngoái khi cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu ở khu vực hồ Pangong Tso ở Ladakh, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các vũ khí tiên tiến như hệ thống tên lửa phóng loạt đa năng Type PHL-03, có tầm bắn từ 70 đến 130 km, và các hệ thống pháo gắn trên xe PCL-181 để bảo vệ biên giới gần lãnh thổ Ấn Độ, sa mạc ở phía tây bắc, cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng ở phía tây nam.