Cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc bắt đầu vào hôm nay (2/6), diễn ra tại hai huyện vùng biên giới tỉnh Vân Nam, sát khu vực Kokang đang có giao tranh giữa quân đội Myanmar và phiến quân thuộc lực lượng liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA).
Bắc Kinh rất giận dữ về tình trạng bom và pháo kích lạc sang lãnh thổ Trung Quốc, làm ít nhất 5 công dân nước này thiệt mạng và khiến hàng ngàn người dân vượt qua biên giới chạy sang tỉnh Vân Nam tị nạn.
Phía Trung Quốc đã thông báo với Myanmar về kế hoạch tổ chức diễn tập. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, các cuộc tập trận không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân ở hai khu vực này song việc hạn chế hoạt động tại các vùng khác của tỉnh Vân Nam sẽ được thông báo. Thời điểm kết thúc cuộc diễn tập sẽ được thông báo sau.
Tháng trước, quốc hội Myanmar đã ra quyết định gia hạn thiết quân luật tại vùng Kokang thêm 3 tháng nữa. Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Myanmar thi hành các biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng sang lãnh thổ Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Thông tin Myanmar hồi tháng Tư cho biết, quân đội nước này truy quét phiến quân chỉ cách biên giới Trung Quốc vài trăm mét.
Lãnh đạo nhóm phiến quân MNDAA là một người gốc Hoa tên là Peng Jiasheng. Nhóm phiến quân này hoạt động từ năm 1989 với mục tiêu lập một vùng tự trị dành cho người gốc Hoa ở Kokang. Các nguồn tin tình báo ước tính MNDAA có từ 1.500 - 2.000 tay súng. MNDAA từng đạt thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền Myanmar cho tới năm 2009. Phía Myanmar cho rằng có thể Peng Jiasheng đã lẩn trốn ở tỉnh Vân Nam và được đảm bảo an toàn, để rồi trở về Kokang khiến xung đột bùng nổ.
Theo tạp chí Boxun (Hong Kong), việc khai thác gỗ và đá quí bất hợp pháp ở Myanmar là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số quan chức ở tỉnh Vân Nam trì hoãn và báo cáo sai sự thật với Bắc Kinh về cuộc chiến giữa phiến quân Kokang và và quân chính phủ Myanmar. Bị tố cáo là hai nguyên bí thư tỉnh ủy Vân Nam, Qin Guangrong và Bai Enpei, và ủy viên thường vụ tỉnh Vân Nam kiêm chủ tịch ủy ban chính pháp tỉnh Meng Sutie. Ngoài ra, một số quan chức ngoại giao và quân sự Trung Quốc tại Myanmar cũng dính líu.
Chính số quan chức trên khiến cho chính sách của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở khu vực Kokang ở Myanmar thường chậm trễ và không hiệu quả. Lực lượng phiến quân Kokang thường cấp phép bất hợp pháp cho hoạt động khai thác gỗ và khoáng sản cho các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh không nắm được thực chất những gì đang diễn ở khu vực biên giới và điều này dẫn tới việc Trung Quốc bị chỉ trích ở bên ngoài. Một số cáo buộc Bắc Kinh hậu thuẫn phiến quân Kokang để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong ngành công nghiệp khai thác gỗ, đá quý và năng lượng ở miền bắc Myanmar.
Ngày 9/2, xung đột vũ trang bùng nổ tại khu vực Kokang, giữa nhóm phiến quân MNDAA chống lại quân chính phủ Myanmar. Thủ lĩnh phiến quân Peng Jiasheng đã gửi thư ngỏ kêu gọi Trung Quốc và người Hoa trên toàn thế giới trợ giúp, gọi cuộc xung đột vũ trang ở Kokang là một cuộc đàn áp bạo lực của các lực lượng chính phủ Myanmar. Ngày 13/3, một máy bay quân đội Myanmar đã ném một quả bom “lạc” vào làng Dashuisangshu sát biên giới tỉnh Vân Nam, giết chết 5 người và làm bị thương 8 người khác. Những sự cố tương tự tiếp diễn đã gây áp lực khiến Bắc Kinh phải hành động đối phó cuộc xung đột ở khu vực biên giới giáp Myanmar.