Chiều 29/12, trong cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn với đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nói rằng, phía Trung Quốc đã có văn bản chính thức thông báo, từ ngày 20 đến 27/12, sau khi kiểm tra hàng hóa bảo quản lạnh nhập khẩu gồm quả thanh long và bao bì xét nghiệm, kết quả 3 lần dương tính, nên tạm dừng nhập khẩu thanh long từ 29/12/2021 đến hết ngày 26/1/2021. “Nếu tính hết 4 tuần tạm dừng, thì lại trúng vào thời gian đề nghị của bạn là nghỉ 14 ngày đối với hàng xuất khẩu lạnh trước và sau tết Nguyên đán 2022, như vậy thì thanh long buộc phải quay đầu”, ông Thiệu nói.
Kẹt cứng
Xe hàng thanh long “quay đầu” từ biên giới. Ảnh: Duy Chiến |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng 29/12 ở tỉnh Lạng Sơn còn tồn ứ 3.530 xe hàng, trong đó có 2.365 xe chở nông sản. Trong số xe chở nông sản có hơn 900 xe chở thanh long (khoảng 10.000 tấn quả).
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hàng đoàn xe nông sản, trong đó có nhiều xe chở thanh long đã lần lượt rời bãi kiểm hóa Bảo Nguyên và khu phi thuế quan ở cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) hoặc theo quốc lộ 1A về xuôi tiêu thụ, bán lẻ. Ngay tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhiều xe chở thanh long cũng quay đầu.
Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cho biết, hiện nay tại bãi Xuân Cương nằm trong khu vực cửa khẩu còn 426 xe chở thanh long. Trong số này, 48 xe đã khai báo hải quan xong, nằm sát biên giới Việt-Trung sẵn sàng sang Trung Quốc bàn giao hàng hóa thì phía bạn thông báo tạm dừng nhập khẩu.
Anh Minh Tuấn, lái xe chở thanh long từ tỉnh Bình Thuận, nói với phóng viên: “Đã qua hơn 14 ngày vất vả, ăn chực nằm chờ, khi đến lượt mang hàng sang Trung Quốc thì bị ách lại. Đau lòng hơn là hiện nay, một số xe nằm sát nhau, đan ken ở cửa khẩu nên đi cũng không được, quay đầu cũng chẳng xong. Hàng sắp rũ chín thối rồi, đến nước này chỉ có trời cứu”.
Việc thanh long không được xuất khẩu vào Trung Quốc cũng dẫn đến việc ùn ứ ô tô trên địa bàn. Thượng tá Dương Văn Toàn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết, hiện tại ô tô đỗ dừng trên tuyến quốc lộ 1A từ xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc đến xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. “Mặc dù ô tô từ các tỉnh đến biên giới Lạng Sơn đã ít đi nhiều so với những ngày trước, nhưng các xe chở hoa quả, nông sản từ phía cửa khẩu Tân Thanh, khu phi thuế quan đổ dồn về nên quá tải”, Thượng tá Toàn nói.
Giải cứu
Tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất với địa phương 7 nội dung, trong đó có việc nắm chắc thông tin, chủ động hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc cùng nhau tháo gỡ tình trạng ùn ứ hàng xuất nhập khẩu, vì hiện nay tại cả hai cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma (huyện Lộc Bình), việc xuất khẩu rất nhỏ giọt (tổng 85 xe hàng/ngày), nếu vậy thì phải hàng tháng mới hết hàng tồn (với điều kiện xe từ các tỉnh không đổ dồn về). Tỉnh cũng nên chủ động, tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 đối với đội ngũ lái xe đường đài. Đồng thời, Lạng Sơn nên có biện pháp, chính sách hỗ trợ các lái xe “quay đầu”, nhất là xe chở thanh long.
Sáng 29/12, tại trụ sở Hải quan tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo hải quan các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn hội đàm với Hải quan Nam Ninh, Trung Quốc. Phía Việt Nam đưa ra 8 đề xuất; Hải quan Nam Ninh ghi nhận ý kiến, nói rằng sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất
Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, các cấp, các ngành chức năng Lạng Sơn đã chủ động hội đàm, trao đổi qua đường dây nóng, tuy nhiên phía bạn chưa đáp ứng một cách tích cực. Vậy nên, tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao quan tâm, có biện pháp tương xứng để giúp tỉnh sớm giải quyết căn cơ tình hình xuất nhập khẩu hiện nay. Địa phương đang kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị và người dân giúp tiêu thụ thanh long.
“Chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ với một số doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước giúp tiêu thụ thanh long. Ngay trong ngày 29/12 đã có một số doanh nhân, chủ siêu thị ở Hà Nội liên hệ và mua hàng cho bà con. Tuy nhiên, với số lượng 10.000 tấn thì đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng vào cuộc thì việc “giải cứu” sẽ lớn và hiệu quả hơn”, ông Thiệu đề xuất.