Trung Quốc sẽ đưa vụ Chu Vĩnh Khang ra Hội nghị Trung ương 4

Chu Vĩnh Khang. Ảnh: SCMP
Chu Vĩnh Khang. Ảnh: SCMP
TP - Chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương 4 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tập trung vào vấn đề cải cách pháp luật nhằm trấn áp nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Một trong các trọng tâm được bàn thảo tại hội nghị lần này là vụ việc Chu Vĩnh Khang, trang tin Want China Times (Đài Loan) đưa tin.

Những chủ đề chính của chương trình nghị sự được chuẩn bị trước cho Hội nghị Trung ương 4 (thường diễn ra vào tháng 9) có thể là xây dựng đảng và ý thức hệ với hai vấn đề trọng tâm được xem xét. Thứ nhất là vụ tham nhũng của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, Bí thư Ủy ban Chính Pháp đã hồi hưu Chu Vĩnh Khang. 

   

Đã xuất hiện nhiều đồn đoán xung quanh việc hạ bệ cựu quan chức hàng đầu 71 tuổi từ hai năm qua, kéo theo hàng loạt vụ bắt giữ những đồng minh chính trị thân thiết và thậm chí cả những thành viên trong gia đình họ Chu.

Nguồn tin cho biết 205 ủy viên chính thức cùng 171 ủy viên dự khuyết của Trung ương đảng sẽ tập trung thảo luận, xem xét khoảng thời gian Chu Vĩnh Khang lạm dụng quyền lực trong giai đoạn từ năm 2007 đến khi ông này về hưu năm 2012, với chức vụ Bí thư Ủy ban Chính Pháp. Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc phớt lờ luật pháp khi sử dụng những chiến thuật cứng rắn và tiến hành trả thù cá nhân với những người dám thách thức quyền lực của mình hoặc đe dọa quyền lợi của ông ta.

Trước khi bước lên đỉnh quyền lực, Chu Vĩnh Khang là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên, vị trí Chu được cho là giành nhiều lợi thế để vơ vét được hàng trăm triệu USD tài sản cho cá nhân và gia đình. WikiLeaks năm 2009 tiết lộ, chính phủ Mỹ tin rằng Chu Vĩnh Khang đứng đầu một nhóm cá nhân kiểm soát hầu như toàn bộ nguồn lợi của ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc.

Vụ tham nhũng Chu Vĩnh Khang dẫn tới nội dung trọng tâm thứ hai của Hội nghị Trung ương 4. Theo Want China Times, Hội nghị sẽ thảo luận rộng rãi vấn đề thực thi pháp luật, nhất là “lãnh đạo đất nước bằng luật pháp” và “lãnh đạo đảng bằng luật pháp”. Chu Vĩnh Khang sẽ được xử lý như một triệu chứng của hệ thống chính trị Trung Quốc và mục đích là nhằm thanh lọc, chỉnh đốn lại hệ thống này nhằm ngăn ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai.

Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát đi nhiều tín hiệu về những ý định cải tổ của ông đối với Hội nghị Trung ương 4 kể từ Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11/2013. Những biện pháp trên bao gồm việc thành lập một tổ lãnh đạo trung ương đặc trách cải cách toàn diện hồi đầu năm 2014 và đã thông qua nhiều cải cách pháp luật then chốt vào tháng 2 và tháng 6 vừa qua.

Đến nay, giới chức Trung Quốc đã tịch thu khối tài sản trị giá 14,5 tỷ USD của người thân trong gia đình và các cộng sự, đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang. 

Đường dây này gồm hơn 300 người bao gồm 14 người thân trong gia đình họ Chu cùng hàng loạt quan chức cấp cao, bạn bè thân tín. Bộ Công an Trung Quốc đã tịch thu hơn 300 ngôi nhà và biệt thự có trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 296 triệu USD). Hiện giá trị tài sản của những người có liên quan bị ngân hàng Trung Quốc phong tỏa lên tới 37 tỷ nhân dân tệ (gần 6,5 tỷ USD) và số tài sản được gửi ở nước ngoài lên tới 51 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 8 tỷ USD)…

Trong số các quan chức bị bắt về tội tham nhũng liên quan đến Chu Vĩnh Khang, có 6 người từng là thư ký của Chu qua các thời kỳ khác nhau.

Báo Hong Kong South China Morning Post hôm 20/7 dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng, Giám đốc Sở Công an thành phố Thiên Tân Wu Changshun đã bị bắt giữ để điều tra vì “nghi ngờ vi phạm kỷ luật và phạm các tội trạng nghiêm trọng”.

MỚI - NÓNG