Trung Quốc sắp phóng tàu vào không gian
Trung Quốc đang chuẩn bị những công việc cuối cùng để phóng module không người lái vào không gian, mở đường cho việc xây dựng trạm vũ trụ riêng.
Thiên Cung 1 và tên lửa đẩy Trường Chinh II-F đã được đặt vào bệ phóng. Ảnh: ChinaDaily |
Module có tên Thiên Cung 1 (Tiangong-1) sẽ được phóng vào không gian bằng tên lửa đẩy Trường Chinh II-F (Long March 2F) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Trường Chinh II-F là loại tên lửa đã thành công trong cả bảy lần phóng tàu vũ trụ Thần Châu trước đó. Theo các chuyên gia, tên lửa này sẽ bảo đảm sự thành công của sứ mệnh không gian lần này.
ChinaDaily cho biết, tàu Thiên Cung 1 ban đầu dự kiến được phóng vào quỹ đạo trái đất trong khoảng thời gian từ 27 đến 30 - 9 nhưng do xuất hiện đợt không khí lạnh nên đẩy lùi dự kiến phóng tàu vào ngày 29 hoặc 30.
Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn. Đây sẽ là bước đầu tiên cho tham vọng xây trạm vũ trụ Trung Quốc. Sau khi tàu rời bệ phóng khoảng hai tháng, nước này sẽ cho tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 (Shenzhou-8) bay vào không gian và thực hiện việc kết nối với Thiên Cung 1 trên quỹ đạo.
Tiếp đó, đến năm 2012, tàu Thần Châu 9 và Thần Châu 10 sẽ rời trái đất để hoàn thành ít nhất một cuộc kết nối với trạm vũ trụ có người lái. Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ có người lái, nặng 60 tấn vào năm 2020.
Không có mặt trong chương trình xây dựng Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) trị giá 100 tỷ USD của các cơ quan không gian trên thế giới, nên Trung Quốc quyết tâm tự xây dựng một trạm vũ trụ riêng để khẳng định sự phát triển vượt bậc của ngành khoa học vũ trụ của họ.
Trung Quốc từng thất bại trong đợt phóng vệ tinh hôm 18 - 8 do trục trặc tên lửa. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết, tên lửa đẩy được phóng hôm 18/8 là loại tên lửa Trường Chinh II-C không có độ tin cậy cao bằng loại Trường Chinh II-F.
Theo Trang Nguyên
VnExpress