Trung Quốc phóng thêm vệ tinh tham vọng thay thế GPS của Mỹ

Trung Quốc phóng thêm hai vệ tinh Bắc Đẩu-3 lên quỹ đạo để thực hiện tham vọng thay thế Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
Trung Quốc phóng thêm hai vệ tinh Bắc Đẩu-3 lên quỹ đạo để thực hiện tham vọng thay thế Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
TPO - Ngày 5/11, Trung Quốc đã phóng thêm hai vệ tinh định vị toàn cầu Bắc Đẩu-3 từ tên lửa Trương Chinh để mở rộng phạm vi định vị toàn cầu của Trung Quốc.

Hai vệ tinh này lẽ ra được phóng lên quỹ đạo từ hồi tháng 7, nhưng do hai vệ tinh khác gặp trục trặc nên phải hoãn lại.

Trung Quốc dự định trong vòng ba năm tới sẽ phóng thêm 30 vệ tinh Bắc Đẩu để thiết lập hệ thống định vị toàn cầu của riêng mình mang tên Bắc Đẩu (Beidou), tương đương như hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS của Mỹ, GLONASS của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu.

Hệ thống Bắc Đẩu hiện tại của Trung Quốc đã có hơn 20 vệ tinh, bao phủ toàn bộ Trung Quốc và các vùng xung quanh.

Trung Quốc có tham vọng bổ sung thêm các vệ tinh tiên tiến hơn để thực hiện các nhiệm vụ như dẫn đường cho tàu chiến Trung Quốc tới các căn cứ hải quân tại Djibouti tại Đông Phi cùng với các hoạt động thương mại và quân sự khác tại khu vực này.

Ông Dương Trường Phong, trưởng nhóm thiết kế hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu ngày 6/11 cho biết trên trang web của dự án: "Khi hệ thống này phủ sóng toàn cầu vào năm 2020, Bắc Đẩu sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về thời gian và không gian và trở thành trụ cột của an ninh quốc gia".

Ông Dương cho biết thêm, nhóm của ông đang làm việc với một áp lực rất lớn nhằm đáp ứng thời gian gấp gáp mà Chính phủ Trung Quốc giao cho. Họ đã phải cắt giảm thời gian phát triển các vệ tinh mới xuống còn 1/3 và gấp rút đưa vào sản xuất cho kịp tiến độ. Từ giờ tới năm sau, cứ cách một vài tháng họ phải đưa ba vệ tinh lên quỹ đạo.

Theo ông Dương, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu này có thể theo dõi không gian mà các làn xe đang sử dụng trên đường cao tốc, phát hiện sự lắc lư của một tòa nhà có gió lớn và hướng dẫn xe cứu hỏa tới vòi nước gần nhất.

Đối với các hoạt động dân dụng, hệ thống này có thể giúp người sử dụng xác định các vật thể với độ chính xác từ 2,5 mét đến 5 mét. Theo một số nhà khoa học tham gia vào dự án, quân đội Trung Quốc và một số cơ quan chính phủ có thể sẽ được sử dụng các tín hiệu được mã hóa để đạt được độ chính xác cao hơn ở mức một milimet.

Trung Quốc đã xây dựng hơn 1.500 trạm Bắc Đẩu mặt đất trên toàn quốc để nâng cao tính chính xác của hệ thống. Họ cũng có kế hoạch thiết lập các trạm tương tự ở hàng chục quốc gia bao gồm Pakistan và Thái Lan để mở rộng dịch vụ chính xác đến những người sử dụng vào mục đích quân sự và cho các chính phủ ở nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào GPS của Mỹ.

Ông Dương hứa hẹn: "Bắc Đẩu sẽ tăng đáng kể số lượng vệ tinh trên bầu trời và điều này sẽ cải thiện những trải nghiệm của người dùng. Đây sẽ là bước đột phá trong vòng ba năm nữa đối với hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu".

Theo SCMP
MỚI - NÓNG