Ông này nói rằng tiêm kích J-16 "hoàn hảo và vượt trội hơn nhiều" so với Su-30, trong một cuộc phỏng vấn với một kênh tin tức Trung Quốc.
Các báo cáo chỉ ra rằng máy bay chiến đấu đa năng Shenyang J-16 mà Trung Quốc giới thiệu vào năm 2014, đang thu hút được sự quan tâm của PLA và việc sản xuất nó hiện đã được nước này đẩy mạnh.
Trong khi các chuyên gia quân sự Ấn Độ luôn bác bỏ luận điệu các sản phẩm xuất phát từ các bản sao chép dòng Su-27/30 của Trung Quốc, chẳng hạn như tiêm kích J-11, là kém hơn so với Su-30MKI của không quân Ấn Độ, sự xuất hiện của tiêm kích J-16 có vẻ đã thay đổi cuộc chơi.
Được trang bị radar AESA đa chế độ hiện đại, J-16 được chế tạo cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất, không giống như J-11 hay thậm chí là Su-27.
Sự ra đời của các liên kết dữ liệu mới, hệ thống cảnh báo sớm cải tiến và việc Trung Quốc tăng cường sử dụng vật liệu tổng hợp carbon trên J-16 mang lại cho nó khả năng tác chiến vượt trội.
J-16 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt WS-10 Taihang được chế tạo trong nước, có thể không đáng tin cậy bằng động cơ AL-31F của Nga, nhưng chúng tạo ra cùng một lượng lực đẩy.
J-16 được tích hợp các công nghệ cải tiến so với Su-30MKI với khung thân composite, Hệ thống cảnh báo tên lửa (MAWS) và Bộ thu cảnh báo radar (RWR).
Tuy nhiên, điều đó sẽ không mang lại cho nó bất kỳ ưu thế nào về mặt điện tử hàng không so với Su-30MKI của Ấn Độ vì nó cũng sử dụng radar với phạm vi tìm kiếm và theo dõi gần như giống nhau.
Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu Trung Quốc quyết định sao chép lại các máy bay chiến đấu Su-35 mà nước này được cho là đã nhập khẩu từ Nga.
Cả Nga và Trung Quốc đều phụ thuộc rất nhiều vào dòng máy bay chiến đấu Su-27/30 Flanker và các sản phẩm phái sinh của chúng. Các nhà phân tích quân sự nói Trung Quốc hiện đang nhanh chóng bắt kịp hầu hết các khía cạnh kỹ thuật của việc phát triển máy bay chiến đấu.
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã cải thiện khả năng tấn công khi nước này đạt được những tiến bộ trong cả tên lửa không đối không tầm nhìn (WVR) và ngoài tầm nhìn (BVR). Tên lửa PL-10 đi kèm với thiết bị tìm kiếm hồng ngoại hình ảnh, cải thiện khả năng chống lại các biện pháp đối phó, điều không có trên tên lửa R-73M của Nga.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nhanh chóng cải tiến công nghệ composite carbon giúp máy bay giảm trọng lượng và mang được nhiều vũ khí và cảm biến hơn.
Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh thậm chí còn gọi J-16 là “máy bay tấn công và đa nhiệm có khả năng nhất của Trung Quốc”.
“Về khả năng hoạt động, J-16 vượt trội so với tất cả các loại máy bay tôi đã bay. Nói về khả năng điều khiển của máy bay, J-16 là máy bay thế hệ 3,5 với những đột phá lớn về hệ thống radar và điều khiển hỏa lực so với các máy bay trước đó, Vương Tông Hoát, một giáo viên bay của Lực lượng Không quân Bộ Tư lệnh quân khu Miền Bắc của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào tuần trước.
Vương nói rằng trong một cuộc không chiến huấn luyện với máy bay chiến đấu thế hệ 3,5 khác của Trung Quốc là J-10C, vào năm 2020, "J-16 và J-10C phải gọi là hòa", nhưng ông khẳng định J-16 đã chiếm ưu thế "vì nó có hai động cơ và hai phi công, trong khi J-10C chỉ có một động cơ và một phi công."
Một phi công khác được Hoàn cầu dẫn lời khẳng định “J-16 cũng đã được cải tiến để có khả năng tàng hình tốt hơn”, nói thêm rằng J-16 hiện được phủ “lớp sơn màu xám bạc khiến nó ít bị nhìn thấy bằng mắt thường và các thiết bị điện từ”.
Phó Khiêm Thiều, một chuyên gia hàng không quân sự Trung Quốc, nói với Hoàn cầu: “Thiết kế khí động học của J-16 nhấn mạnh khả năng cơ động hơn là tàng hình nhưng lớp phủ có thể khiến nó khó bị phát hiện hơn”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là máy bay chiến đấu này sẽ vượt trội Su-30MKI được trang bị động cơ AL-31F đáng tin cậy, có khả năng tạo lực đẩy.
Su-30MKI của Không quân Ấn Độ (IAF) được trang bị các hệ thống tiên tiến của Pháp và nhiều nâng cấp khác, đưa loại tiêm kích này ngang hàng với nhiều loại tiêm kích hiện đại.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ nỗ lực để so sánh và tìm cách tăng khả năng của J-16 so với Su-30MKI của Ấn Độ, vốn được IAF sử dụng với số lượng lớn.
Do đó, nếu không được nâng cấp lên các công nghệ mới nhất trên thị trường, máy bay chiến đấu của IAF rất có thể bị chế ngự theo thời gian.
Các chuyên gia Ấn Độ than thở về sự hiện diện của các công nghệ thế kỷ 20 trên Su-30MKI và chính phủ Ấn Độ không có khả năng thay thế và cải tiến những công nghệ đó, điều này nếu không được giải quyết nhanh chóng sẽ gây bất lợi cho khả năng chiến đấu của Ấn Độ trong tương lai.
Nhưng năng lực thực sự của J-16 đến đâu thì chỉ trong thực chiến mới có câu trả lời chính xác, và sự than thở của các chuyên gia Ấn Độ biết đâu lại chẳng là tấm bình phong cho một số dự án mới được ngân sách rót vốn.