Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói như vậy, nhưng không thảo luận chi tiết và từ chối cho biết liệu các cá nhân bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama” có bị điều tra hay không.
“Đối với những cáo buộc không có cơ sở này, tôi không có bình luận gì”, AP dẫn lời ông Hồng trong cuộc họp báo.
Tập tài liệu mang tên “Hồ sơ Panama” được Hiệp hội phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Washington công bố ngày 3/4, dựa trên hơn 11 triệu tài liệu liên quan đến công ty luật Mossack Fonseca ở Panama chuyên lập mạng lưới công ty bình phong để giúp những người giàu khắp thế giới trốn thuế hoặc rửa tiền.
ICIJ cho biết Mossack Fonseca đã lập các công ty bình phong cho thân nhân của ít nhất 8 thành viên đương chức hoặc đã nghỉ hưu trong Bộ chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong số những người nhắc tên có anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc phớt lờ các thông tin về các tiết lộ gây chấn động thế giới. Việc tìm kiếm cụm từ “tài liệu Panama” trên các trang web và mạng xã hội đã bị khóa vào hôm qua.
Tuy nhiên, thông tin không bị chặn hoàn toàn, với một số tìm kiếm về tin tức liên quan tới Panama đã cho ra kết quả là những câu chuyện đề cập tới cầu thủ bóng đá Lionel Messi và các nhân vật khác không liên quan tới Trung Quốc.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thì đăng tải một bài viết nói rằng một “thế lực mạnh” chưa được xác định đứng đằng sau vụ rò rỉ tài liệu. Tờ báo nói thêm, mục tiêu chính của vụ rò rỉ là những người phản đối phương Tây, đặc biệt là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Truyền thông phương Tây kiểm soát thông tin mỗi khi có một vụ rò rỉ tài liệu như vậy và Washington gây ảnh hưởng đối với vấn đề này. Thông tin nào không có lợi cho Mỹ luôn được hạn chế tối thiểu, trong khi việc bóc mẽ các nhà lãnh đạo không phải phương Tây, như ông Putin, lại bị đẩy lên”, tờ báo viết.
Tờ báo không đề cập gì tới sự liên quan của các nhân vật tại Trung Quốc.
Nhiều người giàu mới nổi tại Trung Quốc thường tìm cách che giấu tài sản khổng lồ bằng cách chuyển tài sản ra nước ngoài thông qua các thỏa thuận pháp lý phức tạp mà giới chức Trung Quốc không nắm được.
Đời sống gia đình và tài chính cá nhân của các lãnh đạo Trung Quốc là chuyện kiêng kị đối với truyền thông nước này, và việc đưa tin về chủ đề đó trên báo chí quốc tế thường vấp phải phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.