Hôm chủ nhật vừa rồi, một giải thi đấu quân sự quốc tế khởi tranh ở tỉnh Tân Cương, kéo dài đến hết 11/8, với đại diện quân đội từ khắp nơi trên thế giới tụ hội. Giải sẽ chứng kiến các hoạt động cả trên bờ cả dưới nước (được tách ra tổ chức tại tỉnh ven biển Phúc Kiến).
Theo báo chí Trung Quốc, các quốc gia tham dự giải đấu hoặc dùng vũ khí Trung Quốc, hoặc vũ khí Nga trong các cuộc tranh tài, cho họ có cơ hội dùng thử trước khi mua.
“Đây là cơ hội để Trung Quốc khoe sức mạnh với thế giới.Hơn nữa, nó còn giúp thúc đẩy cơ hội bán hàng cho họ”, Nick Marro, nhà phân tích thị trường thuộc nhóm nghiên cứu Economist Group (Anh) nói.Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu hiện nay là Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc. Trong giai đoạn 2008-2017, Trung Quốc thu về hơn 14 tỷ USD tiền xuất khẩu vũ khí. Riêng trong năm 2017 là hơn 1 tỷ USD. Khách hàng chính của Bắc Kinh là Pakistan và Bangladesh, đều tham gia hội thao năm nay, cùng các khách hàng khác như Myanmar và Iran.
Quang cảnh khai mạc hội thao quân sự ở Tân Cương. Ảnh: news.cn.
Trong một bài báo trên trang web của tờ Giải phóng quân, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói các cuộc hội thao quân đội là cơ hội tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm quân sự.
Pakistan, đội tham gia các cuộc tập trận hội thao lục quân và không quân ở Tân Cương, là khách hàng lớn nhất với hơn 1/3 số vũ khí xuất khẩu từ Trung Quốc trong năm 2017.
Trong số vũ khí mà Islamabad mua có những thứ cao cấp nhất của Trung Quốc, ví dụ hệ thống theo dõi tên lửa hạt nhân.
Venezuela, nước mua một số lượng chưa xác định tên lửa chống hạm C-802 từ Trung Quốc vào năm 2017, sẽ tham gia các cuộc thi hải quân diễn ra ở Phúc Kiến.
Hội thao quân sự Quốc tế do Nga khởi xướng và Trung Quốc phối hợp tổ chức. Hội thao năm nay đã và đang diễn ra tại 7 quốc gia khắp thế giới trong vòng hai tuần lễ.
Tại lễ khai mạc hội thao mở màn, diễn ra ở Nga, Trung Quốc đã sử dụng xe tăng, các bệ phóng rocket, trực thăng chiến đấu trong các cuộc thi bắn đạn thật. Họ cũng cho trưng bày máy bay ném bom H6K, tiêm kích J-10A và xe tăng chủ lực Type -96B.
Các chuyên gia nói lợi ích thực sự của các hội thao này không đến từ doanh thu vũ khí mà là ảnh hưởng ngoại giao. “Trung Quốc đang biến xuất khẩu vũ khí thành công cụ cho chính sách ngoại giao, tạo ra cái gọi là sự phụ thuộc chiến lược”, Michael Raska, giáo sư về quân sự tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore nói hồi năm ngoái. Bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á làm gia tăng ảnh hưởng tại đây vì nước mua sẽ trở nên phụ thuộc Bắc Kinh về bảo trì, linh kiện thay thế. “Còn bán cho các nước ở xa như Venezuela hay Iran là cách để chọc tức Mỹ”, ông Raska nói.
Nhật-Mỹ-Úc “liên thủ”cạnh tranh đầu tư
Mỹ, Nhật và Úc đã đồng thuận đầu tư vào các dự án hạ tầng ở khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương để cạnh tranh với kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, Japan Times trích nguồn tin từ chính phủ Úc cho hay. Thỏa thuận ba bên sẽ huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, vận tải, du lịch và hạ tầng công nghệ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố khoản đầu tư 113 triệu USD của chính phủ Mỹ vào công nghệ, năng lượng và hạ tầng vào khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương trong bài phát biểu mới đây trước Phòng Thương mại Mỹ. Ông Pompeo nói Mỹ “sẽ không bao giờ tìm kiếm sự thống trị ở khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương” và “chúng tôi sẽ đối đầu với bất cứ quốc gia nào muốn làm điều đó”.
Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi xây dựng chính sách “đáp trả” các cường quốc đối thủ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Ðáng kể nhất là dự án “Một vành đai, Một con đường” với số vốn ước tính 1,3 ngàn tỷ USD thực hiện trong 10 năm tới.