Gần 40 triệu thanh thiếu niên nghiện mạng
Theo “Tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng nghiện internet” của Trung Quốc, những ai “bình quân mỗi ngày lên mạng 6 tiếng, thời gian liên tục 3 tháng, mục đích sử dụng mạng không để học tập, công tác hoặc không có lợi cho việc học hành, công tác, gây tổn hại đến cuộc sống thường ngày và công năng xã hội” đều bị coi là nghiện mạng. Ông Đào Nhiên, Chủ nhiệm Quỹ tâm lý trưởng thành thanh thiếu niên Trung Quốc, nói: “Nghiện mạng thực chất là một loại bệnh, cần phải điều trị y học”.
Theo “Báo cáo điều tra hành vi mạng internet của thanh thiếu niên Trung Quốc năm 2016” do Trung tâm. Thông tin mạng Trung Quốc (CNNIC) công bố, đến tháng 12/2016, số lượng người sử dụng mạng là 713 triệu, trong đó thanh thiếu niên là 395 triệu (41,5%) và chiếm 71,8% tổng số thanh thiếu niên. Khoảng 10% số này nghiện mạng và có xu thế gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ. Theo báo điện tử “Tin tức Trung Quốc”, hiện nay, 5% số học viên xin cai nghiện là học sinh tiểu học, học sinh sơ trung (THCS và THPT) chiếm 40%, sinh viên đại học là “vùng trọng điểm tai họa” vì tất cả các khu ký túc xá đại học đều biến thành các quán net. Khi nghiện mạng trở thành ác mộng cho nhiều gia đình thì ngày càng có nhiều vị phụ huynh gửi gắm hy vọng vào các cơ sở cai nghiện. Thế nhưng, mức thu phí của các cơ sở này rất cao: Trường giáo dục Lý Phong, Trịnh Châu thu 32.600 NDT (108 triệu VND) cho một khóa cai nghiện 6 tháng; Trung tâm Tinh Anh, Vũ Hán lại thu tới 39.000 NDT (129 triệu VND).
Năm 2009, Cục Kiểm soát dự phòng bệnh tật, Bộ Y tế Trung Quốc tổ chức họp báo tuyên bố: bộ này không phê chuẩn bất cứ cơ sở y tế chuyên trách điều trị cai nghiện mạng nào. Thế nhưng trên thực tế, toàn Trung Quốc hiện đã có khoảng 300 trăm cơ sở cai nghiện và ngày càng có thêm nhiều nơi mở ra. Lực lượng đứng ra tổ chức cai nghiện rất đa dạng: chuyên gia tư vấn tâm lý, lính xuất ngũ, giáo viên văn hóa, giáo viên thể dục, bác sĩ... Tuyệt đại đa số các cơ sở điều trị cai nghiện này đều không phải cơ sở y tế mà là các tổ chức kinh doanh tư nhân khoác áo “trung tâm tư vấn”, “trường học trưởng thành”… Không có đại cương giáo dục cố định, cũng chẳng có quy trình phác đồ trị liệu. Các phóng viên đến tìm hiểu ở nhiều nơi cai nghiện mạng thì phát hiện ra đủ kiểu cai khác nhau. Ngoài “quân huấn” (tập luyện thể lực cưỡng ép kiểu quân sự), một biện pháp được áp dụng nhiều là trị liệu tâm lý. Có nơi lại sử dụng biện pháp “trung tâm và gia đình kết hợp”, cha mẹ cũng vào ở trung tâm, hằng ngày tham gia các lớp trị liệu tâm lý hay thảo luận cùng con em.
Sử dụng bạo lực gây chết người
Mặc dù văn bản chiêu sinh của các cơ sở cai nghiện đều cam kết “không sử dụng hình phạt cơ thể, tận tình dẫn dắt tâm lý, tập luyện thể thao để giúp các học viên cai nghiện”, nhưng thực tế, họ đã sử dụng các biện pháp hạn chế tự do cá nhân, tập luyện quân sự khắc nghiệt, trừng phạt thể lực (thể phạt) đối với các học viên. Báo cáo chuyên đề của Trung tâm Nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc về tình trạng nghiện mạng của trẻ vị thành niên mô tả: “Đa số các cơ sở cai nghiện mạng đều tồn tại hiện tượng sử dụng hình phạt, như bị nhốt riêng trong phòng tối nhiều ngày và chịu các hình thức thể phạt: bắt chống đẩy, quỳ gối, chạy nhiều vòng, đứng nghiêm, trói…”.
Đa số phụ huynh đều biết, con em họ bị phạt trong quá trình cai nghiện, nhưng phần lớn đều đồng ý. Trong điều kiện các bậc cha mẹ đồng ý như thế, các biện pháp thể phạt đó rất dễ biến thành bạo lực. Các vụ tử vong trong khi cai nghiện mạng liên tiếp xảy ra.
Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 8 vừa qua đã có 2 thanh thiếu niên tử vong sau khi tham gia các biện pháp trong các cơ sở cai nghiện internet. Ngày 14/8, Lý Ngao, một thanh niên 18 tuổi quê An Huy nghiện mạng, bị trọng thương khi đang thực hiện các liệu pháp cai nghiện tại một cơ sở ở địa phương, tử vong khi được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Chỉ mấy ngày trước đó, Tiểu Ngụy, một thiếu niên 16 tuổi người Tây An, cũng tử vong. Nguyên nhân được công bố là cậu bé bị ngã từ trên lầu cao xuống, nhưng qua giám định thì thấy có vẻ em đã tự tử sau khi bị đánh đập dã man. Các chuyên gia phát hiện cậu bé bị hơn 20 vết thương trên cơ thể và một số nội thương.
8 năm trước, dư luận Trung Quốc rúng động bởi bài báo tố cáo Dương Vĩnh Tín, Chủ nhiệm Trung tâm cai nghiện mạng, Bệnh viện số 4 thành phố Lâm Nghi, Sơn Đông xâm phạm thân thể, dùng “liệu pháp điện kích” (sốc điện) đối với người cai nghiện. Sau đó, Bộ Y tế vào cuộc, khẩn cấp yêu cầu chấm dứt sử dụng biện pháp cai nghiện đáng sợ này. Thế nhưng cho đến nay, liệu pháp sốc điện vẫn đang được sử dụng trong hầu hết các cơ sở cai nghiện mạng để “thuần phục” các thanh thiếu niên nghiện “heroin điện tử”…