Trại cai nghiện Internet cho thanh thiếu niên Hàn Quốc

Học viên của trại xem một bộ phim tài liệu về tác động của stress, căng thẳng đối với não bộ. Ảnh: Washington Post.
Học viên của trại xem một bộ phim tài liệu về tác động của stress, căng thẳng đối với não bộ. Ảnh: Washington Post.
Trại cai nghiện ở huyện Muju, tỉnh Jeolla Bắc, Hàn Quốc được thành lập năm ngoái để giúp thanh thiếu niên chữa trị hội chứng "nghiện Internet" đang lan rộng ở nước này.

Theo Washington Post, Hàn Quốc là một trong các nước có nhiều người sử dụng Internet nhất trên thế giới. Học sinh tiểu học mang di động xem TV trên tàu điện ngầm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mặt trái của nó là quốc gia này đang phải đối mặt với số lượng ngày càng tăng những người nghiện Internet.

"Chính phủ liên tục quảng bá công nghệ thông tin nên đã gián tiếp gây ra vấn đề này", Shim Yong chool, giám đốc Trại cai nghiện Internet quốc gia cho thanh thiếu niên ở ngôi trường gần huyện Muju nói. "Giờ đây chính phủ phải nỗ lực giải quyết vấn nạn này".

Theo khảo sát, khoảng 10% thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện Internet. Chính phủ đã áp dụng các biện pháp như "luật Cinderella" cấm các game thủ dưới 16 tuổi dùng mạng sau nửa đêm, nhưng nhiều người vẫn tìm cách lách luật.

Gần 5.000 thanh thiếu niên đã được cai nghiện từ khi trại mở cửa năm ngoái. Họ được bố mẹ hoặc thầy cô gửi gắm và kiểm tra độ nghiện Internet trước khi tới.

Hầu hết thanh thiếu niên ở đây đều ở giai đoạn "đáng báo động". Họ đam mê Internet đến nỗi bỏ học và ngại giao tiếp ngoài đời thực. Nhiều người còn thu mình và sống cô đơn, số khác lại có xu hướng bạo lực và bốc đồng.

"Nghiện Internet cũng như nghiện rượu vậy", theo ông Shim.

Việc cai nghiện Internet không hề dễ dàng. Một số bị bắt quả tang bí mật giấu điện thoại trong đồ đạc, số khác cố thoát khỏi trại, xin đi nhờ xe hay đi bộ đến thị trấn gần nhất cách đó 5 km để tìm quán cà phê Internet.

Kể từ khi tới trại cai nghiện ở huyện Muju, Yoon thường xuyên gặp ác mộng. Cậu mơ thấy mình đang chơi game trên điện thoại với hình ảnh sống động thì giật mình tỉnh giấc. Ngày đầu tiên ở trại cậu đã phải nộp hết những thiết bị điện tử và thấy thật vô vọng.

"Lúc đó cháu nghĩ tương lai thật mù mịt", cậu nói. "Thật chán nản, cảm giác như đang bị giam lỏng vậy".

Trại cai nghiện Internet cho thanh thiếu niên Hàn Quốc ảnh 1

Điện thoại di động bị tịch thu và phân loại theo tên học viên ở trại. Ảnh: Washington Post.

Yoon, học sinh 18 tuổi ở Pocheon phía bắc Seoul, phải đến trại trong kỳ nghỉ đông vì đã chơi điện tử ít nhất 14 tiếng một ngày trong dịp nghỉ hè. Lúc vào năm học, cậu vẫn dành tới 12 tiếng chơi game hay dùng ứng dụng chat hàng ngày.

Cậu không ý thức được tác hại của việc nghiện Internet. "Cháu không bị đau đầu", cậu nói. Nhưng bố mẹ cậu không thể nhắm mắt làm ngơ và đưa con vào trại trong kỳ nghỉ đông.

Ngày thứ 6 tại trại, một nhóm nam sinh tô màu còn Yoon lại ngậm kẹo mút và tán gẫu với bạn về các chiến lược đánh game.

Trên tường lớp học dán mẫu đơn mà các học viên trại phải điền vào trong ngày đầu tiên. Họ thường liệt kê nghề nghiệp mong muốn của mình là "Lập trình viên". Trả lời câu hỏi về nguyên nhân tới trại, nhiều người trả lời mình bị ép.

"Mẹ bắt cháu tới đây và cháu cũng chẳng được phần thưởng nào", theo lời Yoon Suk-ho, học sinh 14 tuổi ở Daegu. Tuy nhiên cậu bé thừa nhận mình cần sự giúp đỡ.

"Cháu nghĩ mình quá ham mê chơi game trên điện thoại", Yoon nói. "Khi tới đây và bị tịch thu điện thoại, cháu băn khoăn không biết mình sẽ sống ra sao nếu thiếu nó".

Nhưng rồi họ cũng vượt qua "cơn nghiện". Trong giờ giải lao, các học viên ra nghịch tuyết hay ngồi chơi bài. Trên giá sách là bộ truyện Harry Potter và truyện tranh.

Trại cai nghiện Internet cho thanh thiếu niên Hàn Quốc ảnh 2

Các học viên chơi bài ở trại cai nghiện Internet. Ảnh: Washington Post

Vào ngày cuối cùng của khóa học, những học viên sẽ được đánh giá sức khỏe một lần nữa. Sau đó cố vấn của trường sẽ khám định kỳ cho các em.

Khó có thể xác định được con số "tái nghiện" do trại mới thành lập, theo giám đốc Shim. Dù gì thì khi ở đây các cậu bé cũng nhận ra mình có thể tạm thời sống thiếu công nghệ thông tin. "Kết quả khả quan hơn cháu nghĩ", theo Kim Sung-min, 14 tuổi. "Ở nhà cháu chỉ chăm chú chơi game, nhưng ở đây cháu có người trò chuyện".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG