Đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, gây ra cuộc khủng hoảng khiến nhiều công ty và quốc gia càng nhận ra điều đã tồn tại từ lâu: họ quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, còn Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, và dù không phải tất cả doanh nghiệp trong làn sóng đầu tiên đều có nhà xưởng ở Trung Quốc, động thái của chính phủ Nhật Bản đang gây nhiều lo ngại ở Trung Quốc.
Dù các công ty được chính phủ Nhật hỗ trợ để chuyển nhà xưởng đợt này chỉ chiếm chưa đến 1% tổng đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc, nhưng nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ làm thay đổi nền tảng cho mô hình tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc và có thể gây ra một số lỗ hổng trong cơ sở công nghiệp của nước này.
Dùng tiền trợ cấp, 57 công ty sẽ mở thêm nhà xưởng ở quê nhà Nhật Bản, trong khi 30 doanh nghiệp còn lại có kế hoạch mở rộng sản xuất xuống các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.
Khoảng 70% doanh nghiệp trong số đó có quy mô nhỏ và trung bình, với 2/3 liên quan đến ngành y dược.
Danh sách các công ty nhận trợ cấp đợt hai đang được chính phủ Nhật soạn thảo, với thành phần tương tự như đợt một, các quan chức Nhật Bản cho biết.
Một khảo sát của Teikoku Databank, một hãng nghiên cứu uy tín hàng đầu Nhật Bản, cho thấy có 13.685 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động ở Trung Quốc tính đến cuối tháng 5/2019, giảm so với số lượng 13.934 doanh nghiệp trong cuộc khảo sát tương tự vào năm 2016. Vào đỉnh điểm năm 2012, có tới 14.394 doanh nghiệp Nhật có nhà xưởng ở Trung Quốc.
Bị kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như hứng chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, các hãng máy in lớn của Nhật như Brother, Kyocera và Fuji Xerox đang chuyển xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Sharp cũng có kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy in đa năng từ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, sang Thái Lan, dù kế hoạch này không liên quan đến chương trình hỗ trợ của chính phủ Nhật, tạp chí Trung Quốc Caijing đưa tin.
Liu Zhibiao, giáo sư ngành kinh tế công nghiệp tại ĐH Nam Kinh, nói rằng các chính quyền địa phương của Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về nguy cơ các nhà sản xuất Nhật Bản di tản vì điều này sẽ khiến họ “mất mặt”.
Tại tỉnh Sơn Đông, nơi có hơn 1.300 nhà sản xuất Nhật Bản đang hoạt động, chính quyền địa phương đang nỗ lực thu hút thêm đầu tư từ Nhật. Tỉnh này sắp tổ chức một sự kiện xúc tiến thương mại Trung – Nhật, kéo dài đến tận tháng 9, để làm sâu sắc hơn hợp tác với Nhật Bản trong sản xuất các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khoẻ.
Mục đích của chương trình hỗ trợ của chính phủ Nhật là nhằm đa dạng hoá các chuỗi cung ứng và giúp các doanh nghiệp chịu đựng tốt hơn, thay vì chỉ chú trọng rút khỏi Trung Quốc, ông Hideo Kawabuchi, phó tổng giám đốc Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Bắc Kinh, khẳng định.
Chính sách này không bắt buộc, nên quyết định có chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc hay không là tuỳ thuộc từng công ty, ông Kawabuchi cho biết.
Chương trình của chính phủ Nhật được triển khai vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp lịch sử. Hồi tháng 4, cùng ngày Nhật thông báo về chương trình hỗ trợ, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng Mỹ nên “trả chi phí di chuyển” tất cả công ty Mỹ muốn ra khỏi Trung Quốc.
Đối với một số người, chương trình của Nhật được coi là một bước đi nhằm tách khỏi Trung Quốc về kinh tế và cùng Washington lập nên một mặt trận thống nhất để cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nói rằng Mỹ cần hiểu đúng hơn hành động của Tokyo và điều chỉnh cách tiếp cận của mình nếu muốn có quan hệ đối tác thực sự với Nhật Bản nhằm xử lý thách thức mà Trung Quốc đặt ra.
“Thay vì để cắt đứt quan hệ, mục tiêu của Tokyo là đa dạng hoá các chuỗi cung ứng, giúp các doanh nghiệp có chịu đựng tốt hơn trong nhiều hoàn cảnh và bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, trong khi khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước để vực dậy nền kinh tế đang chậm lại”, ông Kennedy nói.