Có thể chắc chắn một điều, nếu xung đột vũ trang ở Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ nằm trong phạm vi ảnh hưởng. Trong tình huống xấu nhất, quốc gia này sẽ phải đối mặt với thảm họa hạt nhân hoặc khủng hoảng tị nạn. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn hết sức “thờ ơ với thế cuộc” trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày càng leo thang.
Điệp khúc “bình tĩnh và kiềm chế”
Kể từ khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia (ICBM) hai lần trong chưa đầy một tháng (ngày 4 và 28/7), tình hình Bán đảo Triều Tiên rơi vào cục diện bế tắc khi Bình Nhưỡng và Washington, cùng các đồng minh, liên tục công kích nhau bằng những lời đe dọa về xung đột vũ trang.
Mới đây nhất là chính quyền của ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ tấn công tên lửa vào đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, kéo theo đó là hàng loạt những cảnh báo đáp trả tương xứng từ Washington, Seoul và Nhật Bản.
Tuy nhiên, “nhiệt” ở Bán đảo Triều Tiên không thể lan tỏa đến Bắc Kinh. Hiện tại, sự kiện họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao đang trong thời gian tạm đình chỉ trong kỳ nghỉ hè kéo dài 2 tuần.
Chính phủ Trung Quốc hầu như không công khai về tình hình trong tuần này, chỉ nhắc lại phát ngôn quen thuộc: kêu gọi các bên “bình tĩnh và kiềm chế”.
Các quan chức ngoại giao nói thêm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn một tuần.
Trước đó, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley chỉ trích, cũng như thúc giục Trung Quốc đáp trả lại Triều Tiên sau vụ tử ICBM hôm 28/7, Bộ Ngoại giao nước này cũng không đưa ra phản ứng ngay lập tức, mà phải đến 2 ngày sau.
Song, phản hồi của Trung Quốc không khác những lần trước bao nhiêu, chỉ nói Bắc Kinh phản đối Bình Nhưỡng thử tên lửa và các nước cần hợp tác để tìm kiếm giải pháp.
Phản ứng “mạnh mẽ” nhất của chính quyền Tập Cận Bình đối với vấn đề Triều Tiên trong giai đoạn này là tuyên bố “sẵn sàng trả giá” cho nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hôm 5/8.
Một nhà ngoại giao châu Á giấu tên ở Bắc Kinh nhận xét, Trung Quốc còn bị phân tâm bởi xung đột biên giới Trung - Ấn kéo dài từ giữa tháng 6. “Trung Quốc có những ưu tiên khác nhau và dễ thấy họ đã chọn điều gì”, người này cho biết.
Truyền thông nghiêng về phía Triều Tiên
Trong khi chính phủ lựa chọn “im lặng là vàng”, truyền thông nhà nước Trung Quốc có đưa ra khá nhiều bình luận về cuộc khủng hoảng Triều Tiên và hầu hết bày tỏ quan điểm bênh vực đối tác lâu năm này.
Như thường lệ, báo chí Trung Quốc kêu gọi đối thoại để chấm dứt khủng hoảng, tuy nhiên có thêm nhận định phê bình Mỹ và các đồng minh có quá ít hành động giúp “hạ nhiệt” căng thẳng.
Hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc, Tân Hoa Xã, ngày 10/8 cáo buộc, Nhật Bản “câu cá trong vùng biển động”, xem Triều Tiên như cơ hội để khôi phục vị thế trong khu vực.
Hồi đầu tuần, Nhật Bản công bố Sách Trắng, trong đó cảnh báo Triều Tiên có thể đã phát triển đầu đạn hạt nhân. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Itunori Onodera tuyên bố, sẽ đánh chặn tên lửa Triều Tiên nhắm đến Guam nếu xét thấy có nguy hại đến an ninh Nhật Bản.
Cũng cùng ngày, Thời báo Hoàn cầu có một bài xã luận viết, Washington “chỉ muốn tăng cường các biện pháp trừng phạt và mối đe dọa quân sự chống lại Bình Nhưỡng”.
Các chuyên gia nói gì?
“Trung Quốc không quá lo lắng việc Mỹ có thể đột ngột tấn công Triều Tiên. Họ chỉ băn khoăn về THAAD”, ông Sun Zhe, đồng giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Columbia, Mỹ, cho hay.
Bắc Kinh luôn phải đối việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc, kể từ khi kế hoạch này được công bố.
Trung Quốc tố THAAD đe dọa đến an ninh của họ, lo ngại radar của hệ thống này đóng vai trò gián điệp theo dõi Bắc Kinh, đồng thời khẳng định, triển khai THAAD không có tác dụng đưa Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.
Thậm chí, quốc gia đông dân nhất thế giới còn áp các lệnh cấm vận đối với Seoul về kinh tế, du lịch…
Trong khi, các chuyên gia khác lại cho rằng, Trung Quốc không phải không làm gì mà không thể làm gì.
Zhang Liangui, chuyên gia về Triều Tiên ở Trường Trung ương Đảng Trung Quốc, cho biết, dù có mối quan hệ đối tác lâu dài nhưng Trung Quốc chưa bao giờ “sở hữu” Triều Tiên, và Triều Tiên chưa bao giờ nghe theo những gợi ý của Trung Quốc.
“Cũng như Mỹ, Triều Tiên không lắng nghe Trung Quốc. Họ đang quá bận rộn để tiến đến một cuộc đụng độ quân sự. Trung Quốc không thể làm được gì nhiều”, ông Zhang đưa ra ý kiến.
Quan điểm trên từng được Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu lên hồi tháng trước, khi kêu gọi các nước chấm dứt cái gọi là “lý thuyết trách nhiệm của Trung Quốc”. Bởi, theo Bắc Kinh, ảnh hưởng của họ đến Triều Tiên trong mối quan hệ từng được mô tả “như răng với môi” là rất hạn chế.
Wang Dong, phó giáo sư nghiên cứu tình hình quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, chia sẻ, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để ngăn chặn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Theo Reuters, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng không còn gắn bó như trước vào khoảng năm 2013. Giai đoạn này, Triều Tiên tăng cường các chương trình hạt nhân và tên lửa, từ chối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế của Triều Tiên và khuyến khích đối tác mở cửa.
Ông Wang nói thêm, có thể cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay bị ảnh hưởng bởi vấn đề nội bộ nước Mỹ, đề cập đến các cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và có khả năng thông đồng với chiến dịch của ông Trump.
“Khi phải đối mặt với những khó khăn trong nước có diễn biến phức tạp, Trump có thể biến nó thành động lực cho việc gì đó. Có lẽ ông ta sẽ muốn cuộc xung đột quân sự giới hạn…”, ông Wang kết luận.