Trung Quốc lại cấm biển: Ngư dân không sợ điều phi lý

Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: Nam Cường
Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: Nam Cường
TP - Như mọi năm, chính quyền thành phố Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) lại ban hành lệnh cấm biển phi lý, gây nhiều khó khăn cho ngư dân Việt Nam, đặc biệt tàu thuyền các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam không sợ điều phi lý.

Hôm qua (18/5), kết nối qua ICOM với nhiều thuyền trưởng đang hoạt động ở Hoàng Sa, PV Tiền Phong được biết, hiện tình hình ở Hoàng Sa đang “nóng” trở lại với nhiều tàu hải giám, ngư chính và tàu rà dầu Trung Quốc quyết liệt cấm biển đối với ngư dân Việt Nam.

Thuyền trưởng Hồ Văn Trường (tàu ĐNa 90082) vừa mới ra ngư trường Hoàng Sa được 5 ngày, cho biết: Mấy ngày nay, mới nghe radio đưa tin Trung Quốc cấm biển thì ngay lập tức thấy mấy tàu hải giám, ngư chính của Trung Quốc tràn ra. Hiện tại họ bắt đầu bắn tín hiệu đe dọa. Theo quan sát của anh Trường từ cabin, 1 tàu hải giám màu trắng rất lớn cộng thêm nhiều tàu sắt màu ghi của Trung Quốc lượn lờ rú còi hụ liên tục khi thấy tàu anh thả lưới. 

Đi cùng đợt ra khơi trong tháng 5 với anh Trường còn có một loạt thuyền trưởng khác như anh Lê Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Còn B, Lê Văn Dũng… Tất cả đang cố gắng rút ngắn chuyến ra khơi lần này bởi các tàu sắt Trung Quốc liên tục quấy phá, mặc dù phạm vi hoạt động của ngư dân miền Trung thuộc vùng biển Việt Nam và vùng đánh bắt chung. “Mọi năm cũng thế rồi. Ngư dân chúng tôi đã quá quen với sự vô lý này. Ngư trường thì chỉ có một, họ cấm cứ cấm, mình vẫn phải ra khơi. Chúng tôi hiểu được rằng, lệnh cấm này là phi lý nên không sợ”- anh Lê Văn Chiến cho biết.

Anh Trương Văn Hay (thuyền trưởng ĐNa 90235) vừa trở về từ Hoàng Sa được 3 ngày cho biết, chiến thuật của phía Trung Quốc sau khi cấm biển là chưa sử dụng tàu ngư chính, hải giám xua đuổi mà cho tàu rà dầu áp sát tàu ngư dân rồi phá lưới phá ngư cụ làm triệt đường đánh bắt. “May mà chúng tôi phát hiện kịp thời tàu rà dầu của họ tới quấy nhiễu nên thu lưới kịp không thì mất toi 350 triệu đồng. Tay lưới vây mới sắm được từ tiền vay ngân hàng. Họ chơi chiêu cắt lưới, phá ngư cụ quá độc. Phá lưới xong rồi thì ngư dân ta dù không bị đuổi cũng phải lo mà về” - anh Hay kể.

Theo một số ngư dân Lý Sơn và Đà Nẵng thì không chỉ cấm biển ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc bộ mà còn cấm cả ở ngư trường Trường Sa, vì phía Trung Quốc đang xây dựng một số đảo nên việc đánh bắt của bà con cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Dương Minh Thạnh (thôn Tây xã An Hải - Lý Sơn - Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 96509 cho biết, thời gian vừa rồi, tàu cá QNg 96293, công suất 330 CV, do ngư dân Nguyễn Thành Châu, ở thôn Tây xã An Hải làm chủ tàu, trên tàu có 16 lao động đang khai thác hải sản tại đảo Ga Ven (quần đảo Trường Sa) khoảng 1,5 hải lý về phía tây thì tàu bị hư máy, trong lúc đang loay hoay cho tàu cập đảo Ga Ven để sửa chữa thì bị lực lượng Trung Quốc xua đuổi không cho tàu cá bị nạn cập đảo. Theo ngư dân Dương Minh Thạnh, vì không liên lạc được với đất liền nên các lao động đi trên tàu bị nạn liên lạc với tàu của ông nhờ ứng cứu, đồng thời cho tàu trôi dạt trên biển để khắc phục sự cố. “Thời gian trước vùng biển này nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn và miền Trung vào khai thác cá bình thường, nhưng hiện nay liên tục bị xua đuổi”. 
Anh Trương Văn Hay, thuyền trưởng con tàu công suất 750CV, một trong những người có kinh nghiệm nhất ở Đà Nẵng, từng dẫn đầu đội tàu ngư dân ra đánh bắt ở ngay gần giàn khoan Hải Dương 981 cách đây tròn một năm cho biết, nếu không đấu tranh, trong thời gian rất ngắn sắp tới, ngư dân sẽ bị truy cản quyết liệt đường
ra khơi. 

Theo anh Hồ Văn Trường, sau lệnh cấm một thời gian ngắn là bắt đầu một quá trình xua đuổi, bắt bớ, cướp phá ngư cụ mà Trung Quốc nhắm vào ngư dân miền Trung. “Chúng tôi biết trước hiểm nguy chờ mình ở Hoàng Sa, nhưng không còn cách nào khác. Mùa này là vụ cá chính, tàu nằm nhà thì có nước chết đói”.   

Ông Trần Văn Lĩnh – quyền Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá Đà Nẵng khẳng định lệnh cấm của Trung Quốc là vô giá trị, vì thế ngư dân vẫn cứ ra khơi như bình thường. Tuy nhiên, việc ra khơi cần phải đoàn kết đánh bắt theo tổ đội để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố. “Đồng thời cũng nên tránh xa các loại tàu hải giám của phía Trung Quốc” – ông Lĩnh nói. 

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.