Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý vừa công bố, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết họ nhận thấy rủi ro từ căng thẳng thương mại tăng cao và biến động tài chính tại các thị trường mới nổi cũng như sự mong manh của tài chính thế giới. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không hạ giá NDT để cạnh tranh, cũng như không dùng nó làm công cụ đối phó với các cú sốc bên ngoài, như căng thẳng thương mại.
Đồng NDT đã mất giá 9 tuần liên tiếp, dài nhất kể từ khi họ áp dụng cơ chế tỷ giá hiện đại năm 1994. 3 tháng qua, nó đã mất giá hơn 7% so với USD. Việc này đã làm dấy lên nguy cơ chiến tranh tiền tệ, nếu Trung Quốc hạ giá NDT để bù đắp thiệt hại từ việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa nước này.
Zhu Qibing - nhà phân tích tại BOC International China nhận định những bình luận trên cho thấy PBOC sẽ không can thiệp vào thị trường tỷ giá trong những ngày bình thường. Tuy nhiên, nếu có biến động lớn, họ sẽ ra tay,
PBOC cũng khẳng định sẽ không kích thích ồ ạt. Họ cho biết chính sách tiền tệ thận trọng sẽ duy trì được sự trung tính và “giữ cân bằng giữa thắt chặt và nới lỏng”.
PBOC đang phải đối mặt với nhiệm vụ rất khó khăn. Họ vừa chịu trách nhiệm giảm khối nợ đang phình to trong nước, vừa phải đảm bảo các công ty có thể đi vay để đầu tư và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn bởi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ hiện tại, và thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm dần.
Cơ quan này cho biết sẽ sử dụng linh hoạt nhiều công cụ tiền tệ và sẽ quản lý kinh tế vĩ mô thật thận trọng. Họ cũng sẽ cải thiện các dịch vụ tài chính thông qua tăng nguồn cung và cạnh tranh.
PBOC cho biết nhiệm vụ đạt tăng trưởng chất lượng cao sẽ “khó khăn”. Bên cạnh đó, dù việc thắt chặt tín dụng và giảm tốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng sẽ ảnh hưởng lên nền kinh tế trong ngắn hạn, nó sẽ đem lại hiệu quả tốt trong dài hạn.