Trung Quốc khai thác tận diệt hải sản kiểu mới

Trung Quốc khai thác tận diệt hải sản kiểu mới
TP - Ngư dân, kỹ thuật viên Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp dùng máy nén khí thổi tung đáy biển để bắt hải sản. Họ còn chuyển giao công nghệ khai thác tận diệt này cho ngư dân Việt Nam.
Một số ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ cùng tang vật đánh bắt hải sản kiểu tận diệt
Một số ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ cùng tang vật đánh bắt hải sản kiểu tận diệt.

Theo báo cáo từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, từ đầu tháng 4 đến tháng 6, trên vùng biển Quảng Ninh, chủ yếu tại huyện Vân Đồn, Móng Cái xuất hiện tình trạng ngư dân sử dụng máy nén khí, bơm công suất lớn tạo ra dòng nước mạnh xịt thẳng xuống đáy biển... Tất cả loại thủy sản như sá sùng, tôm, cua, cá... đều bị thổi tung để ngư dân dùng lưới quây, lưới vét bắt gọn.

Chỉ tính riêng trong tháng 4 và 5, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh phát hiện 4 vụ ngư dân khai thác bằng hình thức tận diệt này. Những vụ này đều do người Trung Quốc chỉ huy.

Tại Vân Đồn, công an huyện Vân Đồn cũng phát hiện nhiều vụ khai thác sá sùng bằng phương pháp tận diệt, với sự tham gia của kỹ thuật viên Trung Quốc.

Ngày 8-2, Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản phối hợp Thanh tra Sở NN&PTNT Quảng Ninh phát hiện 1 tàu cá 22 CV, trọng tải 3,5 tấn không có biển số đang khai thác thủy sản bằng phương pháp lặn có máy nén khí kết hợp máy bơm công suất lớn tại khu vực gần Hòn Chín (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn). Trên tàu có 6 người, trong đó 2 ngư dân Vân Đồn, 4 thợ lặn Trung Quốc cùng nhiều thiết bị lặn.

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, ngoài một số ít người Trung Quốc trực tiếp sử dụng phương tiện, ngư cụ của Trung Quốc để đánh bắt kiểu hủy diệt, nhiều ngư dân Trung Quốc thuê phương tiện, ngư cụ của người Việt Nam để tổ chức đánh bắt cá trên vùng biển Quảng Ninh.

Đây là hình thức khá phổ biến, có thời điểm lên tới vài ba chục tàu. Vùng biển khai thác chủ yếu là khu vực đảo Minh Châu, Quan Lạn, Hòn Chín thuộc huyện Vân Đồn.

Ngư dân Trung Quốc khai thác thủy sản bằng phương pháp lặn có máy nén khí kết hợp máy bơm công suất lớn.

Đây là hình thức khai thác thủy sản mang tính chất hủy diệt nguồn lợi và làm biến đổi môi trường sống của các loài thủy sản tầng đáy.

"Chuyển giao cộng nghệ tận diệt"

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, do chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nên hoạt động đánh bắt tận diệt của người Trung Quốc không còn diễn ra công khai.

Ông Hà Văn Giang, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh, cho rằng, cách đánh bắt tận diệt đã được người Trung Quốc chuyển giao cho người Việt Nam, vì đã phát hiện ngư dân Việt Nam đánh bắt bằng phương pháp này.

Phần lớn vụ phát hiện được mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính, tịch thu tang vật, không thể khởi tố vì thiếu chế tài.

Ngày 3-8, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, việc người Trung Quốc sang đánh bắt hải sản với phương thức tận diệt tại Quảng Ninh là có thật.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý, tuy nhiên chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh. Căn cứ quy định của Nhà nước hiện nay với hoạt động khai thác trái phép thì chỉ có thể xử lý hành chính.

Trong tháng 8, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ra quy định mới, theo đó phạt nặng, thậm chí khởi tố đối với các hành vi khai thác tận diệt.

Khoảng 23 giờ ngày 31-7, Đồn biên phòng Thanh Lân - Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh phát hiện 5 phương tiện, 17 đối tượng đang khai thác hải sản trái phép bằng phương pháp kích điện tại khu vực biển Vàng Cháu và Đầu Trâu (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô). Các chủ phương tiện đều là người dân Cô Tô.

Họ dùng máy phát điện, có đường ống dẫn điện nối với một loại súng tự chế, sau đó mặc đồ lặn lặn sâu khoảng 6m đến 10m để bắn cá. Đây là một trong những phương pháp khai thác làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái biển, quá trình sinh sản, sinh trưởng của các loài hải sản quanh khu vực khai thác...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.