Trung Quốc kêu gọi có hành động về nợ công của châu Âu

Trung Quốc kêu gọi có hành động về nợ công của châu Âu
TP - Ngày 30-8, tại Bắc Kinh, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Trung Quốc, Thủ tướng nước chủ nhà Ôn Gia Bảo kêu gọi Hi Lạp, Tây Ban Nha và Ý cắt giảm ngân sách để ổn định tài chính trong nước.

> Châu Âu đồng ý cho Tây Ban Nha vay 100 tỉ euro

Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Bắc Kinh hôm 30-8. Ảnh: AP
Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Bắc Kinh hôm 30-8. Ảnh: AP.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Bắc Kinh đồng ý tiếp tục mua trái phiếu châu Âu, nhưng không cho biết liệu Trung Quốc có cung cấp gói cứu trợ tài chính nào cho khu vực đồng euro hay không.

Bà Merkel sang thăm Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại song phương và làm cho Trung Quốc yên lòng đối với các khoản nợ công nặng nề của các chính phủ châu Âu.

Trung Quốc có phần trong một giải pháp đối với các vấn đề nói trên vì Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc đang nắm giữ nhiều tỷ USD tiền trái phiếu chính phủ châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Merkel, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói: “Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang tiếp tục xấu đi, khiến cho cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại. Nói thật, bản thân tôi rất lo”.

Thủ tướng Ôn nêu ra tình hình không chắc chắn việc liệu Hi Lạp có phải ra khỏi khu vực đồng euro hay không và liệu Ý và Tây Ban Nha có đưa ra được biện pháp giải cứu toàn diện nhằm cắt giảm chi tiêu chính phủ, đồng thời tăng thuế để đảm bảo cân bằng ngân sách của những nước này hay không.

Theo Thủ tướng Trung Quốc, việc giải quyết hai vấn đề này tùy thuộc ở việc liệu Hi Lạp, Tây Ban Nha, Ý và các nước khác có quyết tâm cải cách hay không.

Ông Ôn cho rằng, việc giải quyết vấn đề nợ công ở châu Âu đòi hỏi từng nền kinh tế thành viên thắt chặt tài chính và cân bằng ngân sách.

Phát biểu nói trên của Thủ tướng Ôn Gia Bảo bị coi là động thái bất thường, trái với nguyên tắc thông thường của Trung Quốc bấy lâu là Bắc Kinh không can thiệp công việc nội bộ của nước khác.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về sự an toàn đối với số trái phiếu châu Âu mà họ đang nắm giữ cũng như các nền kinh tế EU nơi các công ty Trung Quốc đang mở rộng hoạt động.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc sẽ thuận lòng mua trái phiếu châu Âu khi nào Bắc Kinh có thể đánh giá được các rủi ro và để giúp EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu hỗ trợ các nước khu vực đồng euro đang nợ đầm đìa vượt qua được.

Trong chuyến thăm hồi tháng 2 của bà Merkel, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hứa rằng, có thể Trung Quốc giúp tài trợ các gói giải cứu tài chính châu Âu, nhưng chưa rõ Bắc Kinh đã thực hiện lời hứa này đến đâu.

Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (được lập ra để cho các chính phủ gặp khủng hoảng vay) cho biết, các nhà đầu tư châu Á và Trung Quốc đã mua 40% trái phiếu chính phủ của quỹ.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel nói rằng, trong lúc khủng hoảng chưa kết thúc, các nước như Ý, Hi Lạp đang trên đường cải cách tích cực. Bà Merkel nói, bà tin rằng việc làm này của Ý và Hi Lạp sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.

Các nhà chính trị Hi Lạp đạt được thỏa thuận trong tuần này về việc áp dụng gói tài chính thắt lưng buộc bụng theo đòi hỏi của các nhà tài trợ, nhưng còn phải thương lượng về chi tiết.

Nhóm bộ tam gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu và EU dự định cử các thanh sát viên tới Athens vào tháng tới, để rà soát lại các tiêu chí giúp cho Hi Lạp có thể được nhận gói cứu trợ 31 tỷ euro.

Bà Merkel cho biết, bà muốn Hi Lạp vẫn là thành viên của khu vực đồng euro. Bà nhấn mạnh, trong khu vực đồng euro, sự tin cậy là điều rất quan trọng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Merkel và Thủ tướng Ôn Gia Bảo chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD.

Trong đó, tập đoàn Airbus Industrie cam kết đầu tư 1,6 tỷ USD cho giai đoạn hai dự án nhà máy lắp ráp máy bay tại Thiên Tân, quê hương ông Ôn Gia Bảo.

Một công ty nhà nước Trung Quốc mua 50 máy bay Airbus trị giá tổng cộng 3,5 tỷ USD.

Hãng ô tô Volkswagen AG ký hiệp định đầu tư 219 triệu USD và cơ sở sản xuất thân thiện với môi trường ở Trung Quốc, hãng máy bay trực thăng châu Âu ký hiệp định xây dựng cơ sở sản xuất máy bay trực thăng trị giá 12,5 triệu USD.

Đ.P
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG