Tàu đổ bộ có năng lực mang trực thăng hoặc máy bay tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng (loại này Trung Quốc chưa có) được hạ thủy từ xưởng đóng tàu Hỗ Đông Trung Hoa, dài 250m. Tàu có lượng choán nước 40.000 tấn, rất giống với các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp và lớp America trong hải quân Mỹ về chức năng và vẻ bề ngoài.
Giống như tàu lớp Wasp và America, tàu lớp Type 075 ra đời với mục tiêu và là tàu sân bay, vừa là tàu đổ bộ tấn công, tùy thuộc vào cơ cấu các loại máy bay được biên chế trên tàu, theo MilitaryWatch. Khả năng triển khai vài trăm lính thủy đánh bộ và hàng chục xe bọc thép nhanh chóng cùng với trực thăng tiến công và hỗ trợ đường không khiến con tàu loại này rất có giá trị trong tác chiến tấn công, đặc biệt là thực hiện đổ bộ đường biển vào các đảo tranh chấp hoặc vào lục địa của đối phương.
Các tàu loại này cũng có khả năng triển khai máy bay cất hạ cánh thẳng đứng. Một tàu 40.000 tấn có thể triển khai 20 tiêm kích loại này và biến con tàu thành tàu sân bay thực thụ. Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc chưa có máy bay tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng như F-35 hay Harrier của Mỹ và NATO.
Nếu so sánh, tàu Type 075 có lượng choán nước tương đương tàu sân bay năng lượng hạt nhân Charles De Gaulle của Pháp, cho đến nay vẫn là tàu sân bay mạnh nhất của châu Âu, cho dù theo chuẩn của Mỹ và Trung Quốc vẫn là tàu sân bay hạng nhẹ. Mỹ đã triển khai F-35 và Harrier lên các tàu đổ bộ tấn công.
Một số người dự đoán rằng quân đội Trung Quốc có thể nhìn sang Nga để tìm kiếm công nghệ chiến đấu cơ cất hạ cánh thẳng đứng, khi Liên Xô trước đây từng dẫn đầu khi sản xuất tiêm kích Yak -141 và hải quân Nga ngày nay cũng đang phát triển một loại chiến đấu cơ phản lực cất hạ cánh thẳng đứng.
Vẫn còn đó khả năng Trung Quốc và Nga bắt tay nhau cùng nghiên cứu chế tạo loại máy bay này. Công nghệ cất hạ cánh thẳng đứng cũng có thể hữu dụng cho các chiến dịch tại các khu vực hạn chế về mặt bằng hạ cánh như trên các đảo ở Biển Đông, nơi các sân bay do Trung Quốc xây dựng có thể trở thành mục tiêu đầu tiên nếu đụng độ xảy ra.