Việc Trung Quốc đưa tàu địa chất Hải Dương 8 với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh và tàu “dân binh” vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới danh nghĩa khảo sát khoa học biển từ đầu tháng 7 đến nay cho thấy Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm biển Đông, ngang nhiên coi thường và công khai vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trên thực địa, gần đây Trung Quốc cùng lúc triển khai các hoạt động khác nhau ở vùng biển Malaysia, Philippines và Việt Nam nhằm độc quyền kiểm soát thực tế không gian “đường lưỡi bò” mà họ đơn phương yêu sách chủ quyền phi lý, chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam vào thời điểm này còn nhằm vào các lợi ích khác, như thách thức và thăm dò mức độ và khả năng can thiệp cụ thể của Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng phức tạp và chưa có hồi kết ở khắp nơi trên thế giới.
Bằng sách lược “giương đông kích tây” và phô diễn sức mạnh cơ bắp trên biển Đông, có lẽ Trung Quốc còn muốn thử phản ứng của ASEAN và bằng thủ thuật “mèo vờn chuột” họ muốn giăng bẫy để thử tính kiên nhẫn của các nước nhỏ trong khu vực mỗi khi Bắc Kinh triển khai kế hoạch xâm chiếm vùng biển của các nước này.
Bắc Kinh có thể cũng thử phản ứng quốc tế khi cố tình không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 đã bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với việc khai thác tài nguyên trong không gian “đường lưỡi bò”. Hành động này có thể là cách Trung Quốc tạo dư luận và củng cố lòng tin không chỉ đối với các thế lực trong nước về khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong tình hình cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang và khó lường, mà còn đối với các “đồng minh” của Trung Quốc ở các điểm nóng với Mỹ.
Không loại trừ khả năng Trung Quốc đặt các thiết bị giám sát dưới đáy biển, phục vụ xây dựng “phòng tuyến” kiểm soát không gian biển Đông trong phạm vi “đường lưỡi bò”, bao gồm không gian trên trời, không gian mặt biển và không gian đáy biển. Việc Trung Quốc khảo sát địa chất, địa vật lý rất kỹ lưỡng trong một vùng biển không lớn với thời gian kéo dài và lặp lại ở khu vực biển bãi Tư Chính khiến mọi người nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập trái phép một trạm kiểm soát biển lâu dài ở đây.
Kịch bản 4 bước
Trong những năm gần đây, để đạt được mục tiêu độc chiếm biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng kịch bản và triển khai thực hiện nhất quán các bước chủ yếu, như: (i) Pháp lý hóa không gian Biển Đông bằng cách công bố yêu sách phi lý về “Đường chín đoạn” ra Liên Hiệp Quốc vào tháng 7/2009; (ii) Hành chính hóa (dân sự hóa) không gian đường chín đoạn bằng cách công bố thành lập thành phố địa khu Tam Sa (2012), bao gồm các thành phố Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) và Đông Sa (quần đảo tranh chấp với Đài Loan) và gần đây (2017) tuyên bố thành phố Tứ Sa (thêm bãi cạn Trung Sa phía đông nam quần đảo Hoàng Sa); (iii) Quân sự hóa biển Đông bằng cách xây dựng, mở rộng đảo nhân tạo trên 7 thực thể bãi cạn rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và một số thực thể ở Hoàng Sa, xây dựng các sân bay, cơ sở hạ tầng cho các căn cứ quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo này (2014 - 2016); (iv) Hiện thực hóa khả năng kiểm soát trên thực địa không gian đường lưỡi bò (từ 2012) bằng cách triển khai các hoạt động giả danh dân sự để xâm chiếm các vùng biển của các nước trong khu vực, biến vùng biển không tranh chấp thành vùng tranh chấp để ít ra cũng ép các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam phải “khai thác chung” theo cách áp đặt của Bắc Kinh.
Như vậy, quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo nói trên đã đẩy năng lực lấn chiếm trên biển của Trung Quốc vươn xa hơn rất nhiều trước đây và cũng là cách để hù dọa các nước nhỏ trong khu vực biển Đông và thậm chí cả ASEAN. Cách hành xử của Bắc Kinh như vậy khiến các quốc gia trong và ngoài khu vực có quyền nghi ngờ về sự “trỗi dậy hòa bình” kiểu Trung Quốc, kéo theo nghi ngờ về tác động đích thực của sáng kiến Vành đai Con đường mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Rõ ràng câu chuyện biển Đông hôm nay có thể sẽ là câu chuyện của biển ASEAN ngày mai, vì thế các nước ASEAN cần cảnh giác.
Trên thực tế, quân sự hóa các đảo nhân tạo cũng chính là cách Trung Quốc tạo ra các điểm tiếp tế gần nhất cho các hoạt động phi pháp của họ trên các vùng biển của các nước láng giềng được UNCLOS công nhận. Cho nên có thể nói, quân sự hoá các đảo nhân tạo và buộc các nước phải chấp nhận cách Bắc Kinh hành xử trái luật pháp quốc tế chỉ là hai mặt của một vấn đề. Điều này đòi hỏi các nước trong khu vực biển Đông, các quốc gia ASEAN và cộng đồng quốc tế phải nêu cao cảnh giác trước những hành động bành trướng, bá quyền đang ngày càng hiện hữu trong khu vực và trên thế giới.