Trung Quốc đưa nhiều tên lửa ra Trường Sa?

Một hạm đội Trung Quốc hoạt động trên biển Đông hồi tháng Tư. Ảnh: Getty Images.
Một hạm đội Trung Quốc hoạt động trên biển Đông hồi tháng Tư. Ảnh: Getty Images.
TP - Theo các nguồn thạo tin tình báo Mỹ, Trung Quốc vừa lặng lẽ lắp đặt các hệ thống hỏa tiễn chống hạm và tên lửa đất đối không trên 3 tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm tiếp tục củng cố sức mạnh trên vùng biển tranh chấp.

Kênh truyền hình Mỹ CNBC vừa dẫn các nguồn thạo tin tình báo Mỹ nói rằng, các hệ thống tên lửa được Trung Quốc đưa ra các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa trong vòng 30 ngày qua. Cách đây không lâu, Trung Quốc đã lắp các thiết bị quân sự gây nhiễu sóng ở khu vực Trường Sa để phá tín hiệu radar và thông tin liên lạc. Những hệ thống này bổ sung đáng kể vào danh sách thiết bị và vũ khí mà Trung Quốc đã đưa đến vùng biển tranh chấp.

Tên lửa đất đối không tầm xa

Theo các nguồn tin tình báo, các tên lửa hành trình và đất đối không nói trên được Trung Quốc lắp đặt trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Loại tên lửa chống hạm đặt trên mặt đất mang tên YJ-12B cho phép tấn công các tàu trong phạm vi 295 hải lý quanh các bãi đá này. Trong khi đó, tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B có thể bắn máy bay, thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý.

Những vũ khí như vậy cũng xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và biến thành một trung tâm quân sự. “Đảo Phú Lâm đóng vai trò là một trung tâm hành chính và quân sự cho sự hiện diện của Trung Quốc trên biển Đông. Chúng tôi cho rằng bất kỳ thứ gì chúng ta nhìn thấy ở Phú Lâm cuối cùng cũng sẽ được chuyển sâu xuống phía nam để trực tiếp đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc”, CNBC dẫn lời nhà nghiên cứu Gregory Poling, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ).

Ngày 19/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc gần đây tập trận ở biển Đông, máy bay Trung Quốc cất, hạ cánh trên đá Vành Khăn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Các hoạt động của các bên ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị… Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Tuần trước, Đô đốc hải quân Mỹ Philip Davidson, ứng viên dự kiến thay thế ông Harry Harris trở thành Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, gọi việc Trung Quốc tăng cường hiện diện trên biển Đông là “một thách thức đáng kể đối với các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực”. Trong bản tường trình gửi lên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ông Davidson nói rằng, quá trình phát triển các tiền đồn của Trung Quốc trên biển Đông có vẻ đã hoàn tất. “Thứ thiếu duy nhất là triển khai lực lượng. Một khi đã chiếm đóng, Trung Quốc sẽ có khả năng mở rộng ảnh hưởng ra hàng nghìn dặm ở phía nam và triển khai sức mạnh xuống tận châu Đại Dương. Nói ngắn gọn, Trung Quốc giờ đây đã có thể kiểm soát biển Đông trong mọi tình huống trừ khi có chiến tranh với Mỹ”, ông Davidson viết.

Đô đốc Harris cũng từng nhiều lần cảnh báo về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đầu năm nay, ông Harris nói trước Quốc hội Mỹ rằng, việc Trung Quốc tích lũy trang thiết bị quân sự, bao gồm các loại vũ khí siêu thanh, có thể thách thức Mỹ “trên hầu khắp các khu vực”.

“Một số người coi những hành động của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông là tận dụng cơ hội, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi coi đó là những hành động phối hợp, có phương pháp và chiến lược, là dùng sức mạnh kinh tế và quân sự để làm xói mòn trật tự quốc tế tự do và mở”, ông Harris nói trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Đang được Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc cho vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Harris hiện quản lý khoảng 375.000 quân nhân Mỹ và chịu trách nhiệm cho các hoạt động của quân đội Mỹ trên gần một nửa bề mặt Trái đất.

Lợi ích thương mại, kinh tế và quân sự

Các tàu hiện đại nhất của Trung Quốc vừa có chuyến đi lấy mẫu khí methane hydrate (băng cháy) ở một khu vực thuộc biển Đông để đánh giá trữ lượng mỏ khí tự nhiên tiềm năng.

Theo thông báo hôm 2/5 của cơ quan địa chất Trung Quốc, hai trong số các tàu lặn hiện đại nhất của nước này (có khả năng xuống độ sâu 4.500m) được sử dụng trong chuyến thăm dò kéo dài 3 ngày vào cuối tuần qua ở khu vực mà Trung Quốc gọi là “lỗ phun lạnh Hải mã”. Đây là nơi Trung Quốc phát hiện mỏ khí methane hydrate trong một chuyến thám hiểm năm 2015. Methane hydrate được xác định là một trong những nguồn khí tự nhiên mới nhiều tiềm năng đối với Trung Quốc khi nước này vẫn nhập khẩu phần lớn năng lượng họ sử dụng.

Tàu lặn điều khiển từ xa Hải mã đã dùng thiết bị phát hiện khí, máy khoan, máy dò và quét sóng âm trong chuyến đi lấy mẫu này. Trong khi đó, Shenhai Yongshi (Dũng sĩ biển sâu), tàu lặn có người lái hiện đại nhất của Trung Quốc, làm nhiệm vụ vẽ bản đồ phân bố của lỗ phun và địa lý của khu vực. “Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều bong bóng khí methane ở khu vực đó trên biển Đông”, CCTV dẫn lời ông Chen Zhongheng, chuyên gia của cơ quan địa chất Trung Quốc.

Cùng với việc tiếp tục đưa các loại vũ khí, khí tài quân sự ra biển Đông, Trung Quốc đang hối hả phát triển các kỹ thuật khoan dưới đại dương để tiếp cận một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí hứa hẹn nhất thế giới.

Nhà nghiên cứu Collin Koh, công tác tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực tận dụng công nghệ của họ để chiếm ưu thế so với các đối thủ trong hoạt động thăm dò tài nguyên ở biển Đông.

“Chắc chắn có các lợi ích thương mại, kinh tế và quân sự từ những cuộc thám hiểm khoa học như vậy”, ông Koh nói. Ông cho rằng, hoạt động này có thể được lý giải theo nhiều cách, “bao gồm khía cạnh phô diễn sức mạnh cơ bắp”. “Những hoạt động đó nhìn chung được hiểu là một phần kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thống trị biển Đông”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Koh.

Chuyên gia này cho rằng, trong khi Trung Quốc tiếp tục đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu khoa học biển, các quốc gia Đông Nam Á sẽ khó theo kịp vì thiếu tiền, thiết bị và chuyên môn. Theo ông, bên cạnh quá trình quân sự hóa biển Đông, hoạt động nghiên cứu khoa học biển cũng giúp củng cố đòi hỏi chủ quyền trên khu vực tranh chấp. “Khi Trung Quốc không đưa ra một chiến lược chính thức của họ trên biển Đông, chúng ta có thể xâu chuỗi những việc họ đã làm từ trước đến nay…Tất cả đều nhắm tới mục đích không chỉ tăng cường quy mô sức mạnh biển của Trung Quốc mà còn tạo đòn bẩy chiến lược cần thiết hoặc các công cụ mặc cả cho họ để xử lý tranh chấp”, ông Koh đánh giá.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.