Trung Quốc đua nhau “rũ bỏ” Chu Vĩnh Khang

Trung Quốc đua nhau “rũ bỏ” Chu Vĩnh Khang
TP - Các cơ quan, tổ chức có liên quan cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang đang tìm cách rũ bỏ mối liên hệ với ông này, đồng thời cam kết chống lại bè lũ phá hoại quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 8/12 đưa tin.

Những căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang trước đây, cũng như các đồng minh chính trị của vị lãnh đạo bị hạ bệ đã đồng loạt tuyên bố ủng hộ sự thống nhất của đảng, chống việc hình thành các phe phái chính trị. Các nhà phân tích mô tả những hành động thông đồng của mạng lưới quyền lực Chu Vĩnh Khang là “dạng thức tham nhũng nguy hiểm nhất”.

“Chúng tôi phải tự ý thức về việc bảo vệ sự thống nhất trong đảng. Chúng tôi cương quyết chống lại nạn gia đình trị và xây dựng bè phái chính trị”, Tỉnh ủy Tứ Xuyên ra tuyên bố sau cuộc họp bất thường cuối tuần trước. Cuộc họp diễn ra chỉ vài giờ trước khi Xinhua đưa tin về việc khai trừ đảng, truy tố Chu về hành vi vi phạm kỷ luật, nhận hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia. Tại cuộc họp, Tỉnh ủy Tứ Xuyên cam kết sửa chữa những sai lầm mà Chu từng gây ra đối với chính trị và kinh tế của Tứ Xuyên. 

  

Các đơn vị trong toàn quân cũng tuyên bố ủng hộ quyết định của đảng. Nhật báo Quân giải phóng Trung Quốc ngày 7/12 nêu bật các ý kiến của bộ tư lệnh các đại quân khu Thành Đô và Tế Nam, cũng như lực lượng cảnh sát vũ trang. Chu Vĩnh Khang là người gốc Giang Tô, từng giữ chức Bí thư Tứ Xuyên trong giai đoạn 1999-2002, sau đó trở thành lãnh đạo ngành an ninh và chịu trách nhiệm điều hành cả lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Chu cũng có quan hệ với đại quân khu Tế Nam, được coi là một căn cứ quyền lực của đồng minh Từ Tài Hậu.

Chuyên gia về chống tham nhũng Zhuang Deshui ở Đại học Bắc Kinh nhận xét, những tuyên bố của các căn cứ quyền lực trước kia của Chu là một hiện tượng thú vị trong nền chính trị Trung Quốc. “Những tuyên bố trên cho thấy, một mặt các quan chức đương nhiệm phải từ bỏ những lỗi lầm mà họ có thể đã phạm trong quá khứ. Mặt khác, nó là một cách ủng hộ sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông Zhuang nói. Ông Zhuang cho rằng, vụ án Chu Vĩnh Khang là dạng tham nhũng nguy hiểm nhất vì nó liên quan hoạt động bè cánh, phe phái, chứ không chỉ là chuyện một cá nhân. Ông Zhuang nói: “Những bè phái kiểu này thường gây được một số quyền lực chính trị và ảnh hưởng xã hội. 

Chúng hoàn toàn có thể giành ưu thế về chính trị và kinh tế nhằm đẩy chính quyền nằm dưới sự kiểm soát của họ và tác động đến quá trình hoạch định chính sách. Một khi những phe nhóm đó phát triển, chúng sẽ gây nguy hiểm cho chế độ”. Quan điểm của chuyên gia Zhuang cũng được phản ánh trong bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo xuất bản ngay sau khi Chu bị khai trừ khỏi đảng. Bài xã luận tuyên bố, Đảng Cộng sản Trung Quốc cương quyết chống việc “hình thành băng đảng hay phe nhóm” và “tuyệt đối không cho phép bất kỳ một dạng hoạt động nào không thuộc tổ chức đảng”.

Từ khi Bắc Kinh chính thức thông báo điều tra Chu Vĩnh Khang hồi tháng 7, nhiều nhóm lợi ích liên quan Chu đã lộ diện. Hai năm qua, hơn 50 quan chức ở Tứ Xuyên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và hệ thống an ninh quốc gia đã bị bắt. Các đồng minh của Chu như Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu… cũng đã bị cách chức, bắt giam.


Theo SCMP
MỚI - NÓNG