Trung Quốc điều chuyển nhà ngoại giao ‘chiến binh sói’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trung Quốc vừa chuyển một nhà ngoại giao cấp cao sang vị trí mới. Giới quan sát cho rằng điều này cho thấy Bắc Kinh có thể đang nghĩ lại về phương pháp ngoại giao “chiến binh sói”.
Trung Quốc điều chuyển nhà ngoại giao ‘chiến binh sói’ ảnh 1

Ông Triệu Lập Kiên không còn là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Ông Triệu Lập Kiên, 50 tuổi, được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương, theo thông báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Triệu là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ tháng 2/2020, trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của đất nước. Ông thu hút gần 8 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo.

Quyết định được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương, người cũng từng kinh qua vị trí người phát ngôn, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc. Ông Tần, 56 tuổi, có cách thể hiện truyền thống hơn, ít sử dụng mạng xã hội hơn và gửi tín hiệu sẵn sàng hàn gắn quan hệ với các quốc gia như Mỹ và Úc – hai nước thường xuyên trở thành mục tiêu chỉ trích của ông Triệu.

Thay đổi nhân sự này phù hợp với nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc nối lại với Mỹ và các đồng minh, sau khi có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Indonesia tháng 11/2022. Ông Tập cũng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh hàng đầu của Mỹ, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Úc Anthony Albanese.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Đồng chí Triệu Lập Kiên đã chuyển sang vị trí mới phù hợp với công việc của chúng tôi”.

Ông Uông khẳng định, chính sách ngoại giao của Trung Quốc là “đóng góp duy trì hoà bình thế giới và thúc đẩy phát triển chung”, đồng thời “rõ ràng và kiên quyết” trong những vấn đề như chủ quyền.

Ông Triệu trở thành gương mặt được biết đến rộng rãi với cá tính quyết liệt trên Twitter từ khi làm việc trong phái đoàn ngoại giao ở Pakistan, đặc biệt là cuộc đấu khẩu nảy lửa vào tháng 7/2019 với cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice về cáo buộc phân biệt chủng tộc ở Washington.

Ông Triệu sau đó nhanh chóng trở thành gương mặt tiêu biểu cho lực lượng các nhà ngoại giao “chiến binh sói”, cụm từ được mượn từ loạt phim hành động về chủ nghĩa anh hùng Trung Quốc trước kẻ thù nước ngoài.

Ông Triệu được bổ nhiệm vào văn phòng phát ngôn từ tháng 8/2019. Trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 mới xuất hiện, ông Triệu khiến Mỹ nổi giận khi đề cập đến một thuyết âm mưu về nguồn gốc COVID-19, thể hiện nghi ngờ virus gây dịch bệnh đã bị các vận động viên Mỹ mang đến Vũ Hán.

Ông Triệu cũng gây tranh cãi khi đăng tweet bức ảnh chỉnh sửa để cáo buộc binh lính Úc giết thường dân dã man ở Afghanistan, khiến thủ tướng Úc lên tiếng đòi xin lỗi. Năm ngoái, ông Triệu là một trong những người nói rằng Mỹ có các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraine.

Cách phát biểu gay gắt và quyết liệt này được cư dân mạng Trung Quốc thích thú vì coi đó là cách đáp trả ngoại giao Twitter của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nó cũng góp phần gây ra sự sụp đổ hình ảnh của Trung Quốc tại Mỹ, khi kết quả thăm dò dư luận năm 2021 cho thấy 82% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

Thông tin ông Triệu chuyển sang vị trí khác thu hút hơn 23 triệu lượt đọc trên Weibo tính đến sáng 10/1.

Vụ Biên giới và Đại dương giám sát các chính sách về biên giới trên bộ và trên biển, trong đó có các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG