Trung Quốc cử tàu ngư chính tuần tra Trường Sa

Trung Quốc cử tàu ngư chính tuần tra Trường Sa
Trong bản tin ảnh phát đi vào lúc 15 giờ 41 phút ngày 10 - 7, phóng viên Tân Hoa xã Hầu Kiến Sâm cho biết, sáng cùng ngày, tàu ngư chính số 46012 đã rời cảng Tú Anh thuộc thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam lên đường đi Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa).

Tàu này sẽ thay thế tàu ngư chính số 301 làm nhiệm vụ bảo vệ đảo đá ngầm Vành Khăn (Trung Quốc gọi là đá ngầm Mỹ Tế) và quản lý ngư chính trong thời gian 50 ngày. Đây là lần đầu tiên ngành cá hải dương tỉnh Hải Nam thực hiện tuần ngư chính ở Trường Sa.

Một tàu hải giám của Trung Quốc
Một tàu hải giám của Trung Quốc.

Liên quan tới sự kiện này, trong bản tin phát đi vào lúc 20 giờ 26 phút tối 10 - 7, hãng thông tấn bình luận Trung Quốc dẫn lời Trưởng phòng Hải dương và nghề cá Hải Nam Triệu Trung Xã cho biết, việc tuần tra bảo vệ ngư chính ở Trường Sa là hành động chấp pháp chuyên ngành do Cục Ngư chính khu Nam Hải tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, bảo vệ an toàn sản xuất, quy phạm hành vi sản xuất của các tàu cá Trung Quốc, tăng cường bảo vệ và quản lý tài nguyên sinh vật biển ở Trường Sa và cung cấp dịch vụ cứu trợ cần thiết cho các tàu cá Trung Quốc.

Đồng thời, hành động tuần tra bảo vệ ngư chính là biện pháp quan trọng thể hiện chủ quyền và sự quản lý của Trung Quốc đối với vùng biển Trường Sa.

Theo thuyền trưởng tàu ngư chính số 46012 Tạ Bất Phong, thực hiện nhiệm vụ lần này, tàu ngư chính số 46012 có tổng cộng 22 nhân viên ngư chính, vật tư dự trữ trên tàu gồm nước ngọt, thực phẩm, thuốc... đủ sử dụng trong 60 ngày.

Nhằm đối phó với khả năng xảy ra bão biển, sóng lớn..., các nhân viên ngư chính làm nhiệm vụ phải đề ra phương án phòng chống, bảo đảm tác động của thiên nhiên không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ.

Cần nhắc rằng các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Gần đây, các tàu cá Trung Quốc với sự yểm trợ của các tàu ngư chính đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Vietnam+

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG