Phan Quân là một nhân vật 'xã hội đen' thích sex vô cùng
Thời điểm này, phim 'Người phán xử' đã phát sóng được hơn chục tập, anh đón nhận phản ứng từ khán giả như thế nào?
- Thực sự thì cho tới thời điểm này, nhiều người quen của tôi và những người quý mến tôi đều dành lời tốt đẹp cho phim. Nhưng thực ra, đón nhận những lời khen, tôi cũng phải rất tỉnh táo. Phim nào cũng thế, nhân vật nào cũng vậy đều có 'những hạt sạn' hoặc có những phân đoạn mà người này thích, người kia bảo không thích. Tôi luôn muốn được nghe tất cả những ý kiến khen chê. Nếu mình chỉ đón nhận những ý kiến khen thì dễ rơi vào trạng thái thoả mãn. Mà làm nghề này, thoả mãn với mình là chết. Sau mỗi bộ phim, tôi luôn nhìn lại và bao giờ cũng thấy tiếc, có khi cho mình quay lại mình sẽ làm cảnh đó hay hơn nữa.
Ban đầu, phim vừa phát sóng, nhiều khán giả kêu cảnh bạo lực, máu me kinh quá. Tôi không có ý so sánh với bản gốc nhưng một phim hình sự thì những cảnh đó cũng đã được tiết chế khá nhiều khi mua bản quyền về Việt Nam. Bản gốc, nhân vật Phan Quân không 'hiền' như các bạn xem, Phan Quân cũng là một nhân vật 'xã hội đen' thích sex vô cùng. Bản gốc có những cảnh Phan Quân ăn chơi trác táng, ngày đêm gái gú điên cuồng cơ.
Mọi người xem phim nước ngoài nhiều thì biết nhưng cảnh trong "Người phán xử" chưa là gì cả, đó là cảm nghĩ của riêng tôi. Tuy nhiên, ai cũng sẽ nói là "đấy là phim nước ngoài", còn Việt Nam thì khác.
Lâu lắm rồi, phim thuộc thể loại này được khán giả Việt Nam đón nhận đến thế. Anh có nghĩ rằng, kịch bản thuộc thể loại hình sự của Việt Nam nên thay đổi?
- Thực sự tôi và anh em trong đoàn làm phim rất vui vì nhận được phản ứng của khán giả về phim. Thật ra, nếu một bộ phim khi phát sóng khán giả khen cũng không khen, chê cũng không chê, tôi nghĩ đó là thất bại. Cũng có nhiều người có ý nghĩ 'định kiến' giống bạn về thể loại phim hình sự Việt Nam. Tôi hy vọng sau bộ phim này, khán giả chú ý hơn tới phim hình sự Việt Nam. Nó làm đà để Việt Nam ngày càng có kịch bản tốt hơn về thể loại phim này. Các nhà sản xuất mua được những kịch bản tốt.
Trước đây, tôi không thích phim hình sự của Việt Nam. Tôi cũng được mời làm phim này nhiều mà tôi đều từ chối bởi khi đọc kịch bản tôi có cảm giác không thật và bị khiên cưỡng. Nhưng khi được mời và cầm kịch bản, đọc những trang đầu tiên tôi đã thích "Người phán xử" rồi.
"Người phán xử" như là cú lội ngược dòng của anh. Nó hoàn toàn khác hẳn so với những vai khắc khổ mà anh đã đóng đinh trên màn ảnh. Anh chủ động xin vai này để thay đổi bản thân hay các đạo diễn đã 'liều mình' mời anh?
- Thực ra, tôi cũng bất ngờ và đến tận bây giờ, tôi cũng không hỏi lý do sao đạo diễn có thể dũng cảm đến thế khi mời tôi. Bởi lâu nay, nếu diễn viên quen dạng vai nào đó, đạo diễn thường mời vào để an toàn cho cả đôi bên. Khi nhận vai này, tôi đã từ chối rất nhiều lời mời để có thể hoàn thành tốt nhất có thể cho vai này, trừ công việc thuộc Nhà hát nhiệm vụ phải làm.
Trong thời gian làm phim, để nghĩ mình thành công hay không cũng mông lung lắm. Thậm chí trong quá trình quay, nhiều bạn bè và cả tôi đăng một vài hình ảnh trong bộ phim lên, nhiều người nhắn tin bảo 'chú ơi chú đừng đóng những dạng vai này'. Nhưng tôi nghĩ, đây là cơ hội thay đổi chính bản thân mình nên phải nắm bắt cơ hội này ngay khi có thể.
Cả tôi và đạo diễn đều liều trong tình huống này.
Nhiều diễn viên từ chối vai Vân Điệp vì quá nhiều cảnh nóng
Gần đây, một số phim truyền hình đã thu tiếng trực tiếp. Anh có nghĩ rằng, việc thu tiếng trực tiếp như thế này sẽ là môi trường khắc nhiệt để các diễn viên đều phải chuyên nghiệp hơn. Và đặc biệt, người mẫu, ca sĩ đài từ và cảm xúc không tốt sẽ 'không có cửa' làm 'bình hoa' di động trên phim. Ví như cô Vân Điệp - người yêu của Phan Hải, khán giả kỳ vọng một Vân Điệp - gái làng chơi ra chất nhưng nhân vật này lại chán nhất phim bởi lối diễn xuất.
- Thực ra, người mẫu, ca sĩ đóng phim đâu phải không tốt. Nước ngoài họ thu tiếng trực tiếp từ rất lâu rồi, họ cũng mời nhiều chứ đâu phải diễn viên chuyên nghiệp mới làm được. Tuy nhiên, khi mời người mẫu hay ca sĩ, họ đều có lớp đào tạo vài tháng trời để hướng dẫn cách diễn trong đó có cả tiếng nói. Ở Việt Nam thì không, mời cái là đóng luôn, miễn là nổi tiếng và xinh đẹp, nên mới có chuyện khán giả cứ gọi mấy cô đó là 'bình hoa di động'. Đây cũng là một bất cập. Có những lúc nó đã trở thành trào lưu. Vì đạo diễn luôn cần gương mặt mới, nhưng gương mặt mới như thế nào lại không cần biết.
Bản thân tôi, khi đóng phim nếu không thu tiếng trực tiếp, khi lồng tiếng tôi cũng tự lồng tiếng cho mình. Trừ khi lúc đó tôi bận công tác đâu đó mà đúng đợt đoàn làm phim lồng tiếng, tôi sẽ chủ động nhờ người lồng cho tôi. Tôi vẫn ưng nhất là nghệ sĩ Trung Hiếu và Công Lý lồng tiếng. Bởi 2 người đó có cái gì rất quái trong giọng nói.
Không phải cứ nói lưu loát, thoại hết câu là xong. Còn phải nhấn nhả để làm sao cho khán giả xem thấy thấm. Tại sao nhân vật Phan Quân được nhiều người khen và lấy thoại của nhân vật này ra làm một chuỗi câu thoại hay là vì anh Hoàng Dũng đã nhấn nhả câu từ tuyệt hay.
Chê cô bé đóng Vân Điệp thì tội cho cô bé quá. Cô bé cũng không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Đạo diễn đã mời khá nhiều diễn viên vào vai này mà đều bị từ chối vì nhiều cảnh nóng. Tôi nghe nói mời nhiều lắm, mãi mới có Thanh Bi nhận lời. Thực ra, nếu tính về tuyến nhân vật nữ trong phim thì Vân Điệp là vai hay nhất, nếu nhân vật này đóng tốt, nó sẽ làm nên tên tuổi của diễn viên vì quá nhiều đất diễn cho vai Vân Điệp. Tuy nhiên, Thanh Bi đã không làm được và cuối cùng đạo diễn đã phải tiết chế nhân vật này hết mức có thể.
Tôi không chê Thanh Bi mà chỉ thấy thương Việt Anh (cười). Khổ thân thằng bé. Nhất là những cảnh nóng, diễn đi diễn lại nhiều lần cũng nhàm. Nói thật, thoại với nhân vật như thế, cảm xúc của diễn viên bị rơi rụng nhiều lắm. Làm nghề lâu tôi biết, bạn diễn rất quan trọng. Nó khiến mình thăng hoa khi diễn hơn rất nhiều.
Thế với anh, bạn diễn nào làm anh thăng hoa nhất?
- Tôi diễn với anh Hoàng Dũng, chỉ cần tôi nhìn anh là anh biết như thế nào và thoại ra sao và ngược lại. Chúng tôi diễn với nhau mà như không, như trò chuyện ấy.
Lương Bổng trong "Người phán xử" tôi cảm giác nó có sự cam chịu vô điều kiện. Còn Trung Anh ngoài đời, anh có phải là người cam chịu với nghề?
Cũng đúng, sau biến cố của Nhà hát kịch Việt Nam nơi tôi công tác, tôi cũng hy vọng nhiều thứ thay đổi và tôi đấu tranh để mong muốn có sự thay đổi đó. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ vẫn vậy. Và tôi nghĩ rằng 'một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa xuân'. Tôi chán sân khấu. Chán là chán tình cảnh sân khấu như hiện nay chứ với tôi sân khấu vẫn là thánh đường của sáng tạo nghệ thuật. Tôi cam chịu vậy. Và đó là lý do thời gian này tôi hay đi làm phim.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!