Huyện Kbang nổi tiếng với việc phá rừng làm nương rẫy. Bằng chứng là chỉ cần đặt chân vào địa phận huyện này đã thấy hàng chục ngọn đồi, núi bị cạo trọc. Đến nay, tình trạng này cơ bản đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, với việc Cty TNHH MTV Ngân Sơn (xã Lơ Ku) cho người vào chặt phá cánh rừng cách UBND xã khoảng 4km để trồng keo lai đang gây nhiều mối nghi ngờ trong nhân dân? PV Tiền Phong tiếp cận hiện trường, tiếng cưa máy gầm rú, những đám cháy nghi ngút tạo cột khói khổng lồ chọc thẳng lên trời khiến chấn động cả một vùng rộng lớn.
Con đường vào địa điểm cánh rừng tự nhiên bị phá để trồng keo lai nằm tại thôn 1, cách trụ sở UBND xã Lơ Ku khoảng 400m. Địa điểm rừng bị phá nằm lọt thỏm giữa nhiều dãy núi cao bao quanh, nếu nhìn từ xa không thể nào phát hiện.
Ghi nhận của PV tại hiện trường, khoảnh núi thứ nhất có hàng trăm thân gỗ đường kính từ 10 đến 40cm nằm ngổn ngang đã bị đốt cháy. Từ vị trí này đi xuống, PV tiếp tục chứng kiến một diện tích rừng tự nhiên lớn nữa đã bị tàn phá. Đặc biệt, có những hố lớn do máy múc tạo ra, nghi vấn việc những cây cổ thụ đã bị cắt hạ lấy gỗ, phần gốc bị móc lên để xóa dấu vết. Tiếp tục hành trình, đến chân núi thứ 2, chúng tôi phát hiện có nhiều lóng gỗ đã được xẻ vuông vắn. Trên thân gỗ còn ghi số điện thoại của chủ gỗ. Toàn bộ diện tích rừng bị phá vừa được trồng thay thế bằng keo lai.
Chính quyền địa phương không biết ?
Ông Trương Nhật Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku xác nhận trong thời gian gần đây không phát hiện vụ lấn chiếm đất rừng nào. Chỉ có một số đồng bào người Ba Na phá để trồng lúa, nhưng diện tích nhỏ. Mới đây cũng có một đoàn kiểm tra, tuy nhiên không phát hiện vụ phá rừng nào lớn.
Sau khi tiếp nhận thông tin của PV về vụ việc phá rừng tại xã Lơ Ku, ông Phạm Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, sẽ tổ chức các lực lượng kiểm tra, đánh giá hiện trạng ngay. Nếu vụ việc nghiêm trọng sẽ báo cáo lên cấp trên để có hướng chỉ đạo, xử lý. Quan điểm của huyện là xử lý đúng người, đúng tội.
Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku Trần Văn Trị cũng xác nhận vị trí mà PV cung cấp thuộc tiểu khu 147. Sau khi đánh giá, lập biên bản hiện trạng (tre, lau, lách), Cty lâm nghiệp Lơ Ku đã kí hợp đồng với Cty TNHH MTV Ngân Sơn tiến hành dọn dẹp thực bì và trồng keo lai để tái tạo rừng. Chi phí dự kiến trồng lại rừng khoảng 30 triệu đồng/ha. Hiện tại, cây keo lai được trồng theo phản ánh đã được khoảng 15 ngày và sẽ tiếp tục trồng trong thời gian tới để phủ xanh diện tích đất trống. Trong năm 2018, Cty lâm nghiệp Lơ Ku đã hợp đồng với Cty TNHH MTV Ngân Sơn trồng lại rừng với diện tích 44 ha, hiện đã thực hiện trồng rừng được 24 ha.
Nhìn những hình ảnh mà PV cung cấp, ông Trị cho biết đây là cây gỗ tự nhiên. Tuy nhiên, trong hợp đồng với Cty TNHH MTV Ngân Sơn, Cty lâm nghiệp Lơ Ku đã yêu cầu đơn vị này giữ lại cây rừng tự nhiên, không được đốn hạ. Việc này có lỗi của Cty lâm nghiệp Lơ Ku khi chưa tiến hành giám sát thường xuyên. “Việc đốn hạ cây gỗ tự nhiên của Cty TNHH MTV Ngân Sơn là trái với hợp đồng đã ký kết, Cty sẽ tiến hành xử lý”- ông Trị nói.
Ðến chân núi thứ 2, chúng tôi phát hiện có nhiều lóng gỗ đã được xẻ vuông vắn. Trên thân gỗ còn ghi số điện thoại của chủ gỗ. Toàn bộ diện tích rừng bị phá cũng vừa được trồng thay thế bằng keo lai.