Diễn đàn thường niên về an ninh-quốc phòng Shangri-la năm nay, với đại diện từ khoảng 40 quốc gia, được cho là sẽ tập trung bàn về các vấn đề nóng nhất liên quan đến an ninh khu vực và thế giới như việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp trên biển Đông…
Diễn đàn Shangri-la, một sáng kiến của Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (Anh), diễn ra hằng năm ở Singapore kể từ năm 2002. Theo dự kiến, trong ngày thứ hai của diễn đàn năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ có bài phát biểu về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng hội đàm bên lề diễn đàn về tình hình khó lường trên bán đảo Triều Tiên, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho hay.
Theo hãng tin này, việc xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông gần đây thường xuyên trở thành chủ đề bàn thảo chính của diễn đàn Shangri-la. Tuy nhiên, Trung Quốc đã quyết định cử tới hội nghị một quan chức cấp thấp: trung tướng Hà Lôi, phó chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc. Động thái này được một số nhà quan sát xem là cách Trung Quốc ngăn các bên “đi quá xa” về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Điều đặc biệt của Đối thoại Shangri-la năm nay là lần đầu tiên có sự tham gia của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phó tổng thư ký NATO Rose Gottemoeller tham dự diễn đàn với mục đích đẩy mạnh quan hệ của NATO với các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Straits Times, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm qua tái khẳng định cam kết can dự vào các vấn đề khu vực của Mỹ tại các cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-la năm nay. Các cuộc gặp được cho là xoay quanh những vấn đề địa chính trị quan trọng, bao gồm tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á…
Một số nhà quan sát cho rằng, chuyến đi lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có mục đích chính là để đảm bảo với các đồng minh trong khu vực về cam kết của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng tầm ảnh hưởng. Nhưng vấn đề nổi lên gần đây nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều rất có thể sẽ choán hết các chương trình nghị sự của phía Mỹ. Một trong những nhiệm vụ của ông Mattis lần này là xóa tan những đồn đoán về cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim.
Mỹ xem xét chuyển giao máy bay huấn luyện cho Việt Nam
Trong khuôn khổ tham dự Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 tại Singapore, sáng 1/6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Theo TTXVN, tại cuộc gặp, hai bộ trưởng cho rằng kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, trong đó nghiên cứu ký kết các văn bản phù hợp làm cơ sở triển khai hợp tác. Bộ trưởng Mattis cho biết Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên. Về các vấn đề này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị, hai bên giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác hiện có phù hợp với các thỏa thuận đã ký kết; trong đó ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn cấp cao.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh Mỹ tiếp tục hợp tác để sớm khởi công Dự án xử lý ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa và ủng hộ việc Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đại đội công binh tại Phái bộ gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc chỉ định.
Cũng tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảm ơn Việt Nam đã đón tàu sân bay Carl Vinson thăm Đà Nẵng vào tháng Ba vừa qua. Bộ trưởng James Mattis cho biết Mỹ hoan nghênh tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020. Ông James Mattis cũng đánh giá cao việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trung Quốc đã quyết định cử tới hội nghị một quan chức cấp thấp: trung tướng Hà Lôi, phó chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc. Động thái này được một số nhà quan sát xem là cách Trung Quốc ngăn các bên “đi quá xa” về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.