Trông chờ gì ở Đêm trắng cầu Long Biên?

Lại thêm một hoạt động lấy cảm hứng từ cầu Long Biên. Ảnh: Mai Xuân Tùng
Lại thêm một hoạt động lấy cảm hứng từ cầu Long Biên. Ảnh: Mai Xuân Tùng
TP - Đêm trắng cầu Long Biên xuất phát từ ý tưởng của 4 CLB chủ yếu là sinh viên: Tôi xê dịch, Dự án nghệ thuật Lần hồi, Chuyện kể, CLB Kiến trúc phương Đông.

Nước Pháp có đêm trắng ở Paris nổi tiếng, kinh đô ánh sáng trắng đêm với nhiều chương trình nghệ thuật, tất cả bảo tàng mở cửa đón khách. Đêm trắng cầu Long Biên xuất phát từ ý tưởng của 4 CLB chủ yếu là sinh viên: Tôi xê dịch, Dự án nghệ thuật Lần hồi, Chuyện kể, CLB Kiến trúc phương Đông.

Đêm trắng, thế nào?

Dự kiến, Đêm trắng cầu Long Biên diễn ra từ 23h 12/4 đến 6h ngày 13/4. “Hà Nội sẽ soi đèn tìm về ký ức thời xa xưa với những chương trình chạy dài theo chiều dài cây cầu 2km”, Nguyễn Thị Thu Hà (Tôi xê dịch), trưởng BTC nói. 

Những người tham gia sẽ thấy các góc khác nhau của cây cầu qua 120 bức ký họa Cầu Long Biên tình yêu còn mãi, do CLB Phương Đông thực hiện gần đây. Các nhóm khác lần lượt phụ trách tua du lịch kể chuyện, giao lưu với các nhóm du ca, kể chuyện, tranh khắc giấy, chiếu bóng.

Danh sách khách mời của nhóm Chuyện kể có Phan Ý Ly (Thảo nguyên xanh tươi) và biên tập viên Nguyễn Trương Quý. Tuy nhiên, anh Quý cho biết đã xin rút. BTC cũng mời hai đại diện sống gần cây cầu, coi nó như một phần của cuộc sống.

Ngọc Anh, phụ trách nhóm Tôi xê dịch nói thêm, mục đích của tua du lịch Cầu rồng kể chuyện là đưa khán giả đi dọc cây cầu từ phía Hà Nội sang Gia Lâm, “chạm vào những chiếc đinh tán”, tìm hiểu như tại sao giao thông trên cầu lại đi ngược, lịch sử qua các thời kỳ từ khởi nguyên, chiến tranh đến hòa bình. 

Còn với tranh khắc giấy, chiếu bóng, nhóm Lần hồi muốn người xem cảm nhận khi chờ ánh đèn tàu đi qua, ánh sáng lóe lên sẽ chiếu lên bức toan.

Được hỏi vấn đề an ninh, đại diện BTC nói sẽ giới hạn số người tham gia để đảm bảo trọng tải, bởi trong thời gian diễn ra chương trình, giao thông trên cầu vẫn bình thường. 

Trên trang mạng xã hội của sự kiện này, BTC thông báo danh sách đăng ký 900 người. Mỗi người nhận vé sẽ góp ít nhất 20 ngàn đồng, được BTC giải thích là chi phí tổ chức.

Trưởng BTC nói thêm, chương trình này là tự phát, gần như không có tài trợ, những người tham gia tự bỏ tiền túi. Không có kinh phí thì chất lượng ra sao? “Có tiền thì chúng tôi làm trọn vẹn, chi tiết, nếu ít quá thì giới hạn trong khả năng có thể”, Hà nói. 

BTC cũng cho biết, chương trình có sự ủng hộ của Ga Long Biên, công an phường Đồng Xuân nhưng chưa có sự phối hợp với Sở VHTT&DL Hà Nội. Liên hệ với Sở, Giám đốc Tô Văn Động nói chưa hề biết việc này. “Nếu dự án tốt, Sở sẽ ủng hộ”, ông nói.

Lại festival chục tỷ?

Ý tưởng tổ chức có thể đáng quý, nhưng bị không ít người đặt dấu hỏi về chất lượng, động cơ của người đứng sau. Hôm 6/4, nhóm tổ chức mời quan khách, báo chí tham gia buổi giới thiệu các hoạt động. Sau màn trình bày là phần kể lể của cố vấn chương trình Nguyễn Nga- người đứng ra tổ chức hai kỳ festival cầu Long Biên nhiều tai tiếng.

Bà Nga cho rằng, chương trình như Đêm trắng cầu Long Biên nhằm tìm lại ký ức trước khi người ta quyết định phá bỏ nó. 

“Cây cầu Long Biên có thể ngày mai sập xuống. Các bạn không thể tưởng tượng cây cầu cũ, rất nguy cơ, rất có thể sáng mai ngủ dậy chúng ta sẽ không thấy cầu nữa”, bà nói.

Bà nhấn mạnh, mình tìm mọi cách tổ chức hoạt động khơi dậy ý thức của người dân và lãnh đạo khi có tin cây cầu bị phá bỏ. 

Còn nhớ, Festival cầu Long Biên năm 2009 từng gây thất vọng ghê gớm cho công chúng, khi BTC quảng cáo rình rang nhưng lại đem con bỏ chợ: Hoạt động nghệ thuật không thấy đâu, chỉ có ùn tắc lớn khiến cây cầu bị rung lắc đáng kể.

Ngoài việc kêu gọi quan khách tham gia buổi giới thiệu chương trình tối 6/4 tại 22A Hai Bà Trưng, lấy vé tham dự và ủng hộ tiền cho BTC, bà Nguyễn Nga dần hé lộ mục đích tổ chức sự kiện này. Rằng sự kiện này là tiền đề tổ chức Festival cầu Long Biên sắp tới, “cần 10 tỷ thôi, và chúng tôi đang cật lực tìm tài trợ”. 

Hình thức này cũng được bà sử dụng trong các kỳ festival trước, đòi hỏi nhà nước chi tiền, kêu gọi tài trợ. Trong khi, Chính phủ đã có văn bản nói rõ không lấy tiền từ ngân sách nhà nước chi cho lễ hội.

“Sở sẽ siết chặt các hoạt động, lễ hội liên quan đến cầu Long Biên, không đồng ý với các dự án đầu voi đuôi chuột”, ông Động trả lời về các hoạt động liên quan đến cây cầu sắp tới.

Hà Nội đang làm hồ sơ công nhận di sản

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đồng ý để Sở xây dựng hồ sơ khoa học, công nhận cầu Long Biên là di tích cấp quốc gia.

Sở cũng gửi văn bản cho Bộ Giao thông Vận tải-đơn vị chủ quản cầu Long Biên. Về các phương án bảo tồn cầu, ông Động nói sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên môn khi hồ sơ tương đối đầy đủ.

MỚI - NÓNG