Cầu Long Biên sống mãi trong tiềm thức thế hệ trẻ

Cầu Long Biên – Hà Nội đã trở thành điểm hẹn đặc biệt với các bạn trẻ.
Cầu Long Biên – Hà Nội đã trở thành điểm hẹn đặc biệt với các bạn trẻ.
TPO - Cầu Long Biên (Hà Nội) được coi là chứng nhân lịch sử, đi qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Nó chứng kiến bao thăng thầm, buồn vui và trở thành một phần “máu thịt” của thủ đô. Với thế hệ trẻ ngày nay, những giá trị ấy vẫn nguyên vẹn.

Bộ GTVT mới đưa ra đề xuất 3 phương án di dời 9 nhịp cầu Long Biên nhằm bảo tồn và xây cầu mới tại vị trí tim cầu cũ, khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Một số người cho rằng, nên xây dựng cầu mới để đồng bộ quy hoạch đô thi, mang lại diện mạo mới cho thủ đô khang trang , hiện đại, văn minh hơn. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác ủng hộ giữ gìn và bảo tồn cầu Long biên.

Lưu giữ kí ức tuổi thơ

Tin, bài, ảnh, video của bạn đọc, xin gửi về email của tòa soạn theo địa chỉ online@tienphong.vn

Cây cầu như một thành phần làm nên kiến trúc tổng thể của thành phố. Nó không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông với vai trò quan trọng trong giao thông, mà còn chuyên chở cả kí ức và tinh thần của biết bao lớp người sống ở Hà Nội.

Đối với thế hệ trẻ Hà Nội hiện nay, những người chưa biết đến chiến tranh, không được chứng kiến sự biến đổi của cây cầu theo thời gian nhưng qua những câu chuyện của bà, của mẹ, của thế hệ đi trước, cầu Long Biên đã đi vào kí ức tuổi thơ của họ thật đơn giản và dung dị như thế. Đây cũng là chốn bình yên cho tâm hồn, bỏ qua những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường ngày.

Bạn Phạm Hương Thủy (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ về những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó với cầu Long Biên: “Ngày bé, mình thấy nó già nua, han gỉ, xấu xí nhưng không biết từ bao giờ nó đã dần trở nên thân thuộc trong kí ức. Nó là con đường đi học, chứng kiến biết bao buổi chiều mưa mình đạp xe ngược gió, những buổi trưa nắng gắt nhễ nhại mồ hôi”.

Không những vậy, cây cầu là nơi lưu giữ những buồn, vui tuổi học trò của biết bao nhiêu người. Với họ, cầu Long Biên không chỉ là con đường đi học, đi làm mà còn là không gian thả hồn theo cánh thuyền buồm nơi bãi giữa vào những chiều lộng gió. Đó còn là những buổi chiều thong dong đạp xe để hít hà, tận hưởng làn gió mát mang hương phù sa mặn nồng của đồng bãi ven sông.

“Là người dân Hà Nội lại sống gần cầu nên mình đã quen với việc sáng nào cũng theo ông lên cầu hít thở không khí và tập thể dục. Việc cải tạo cầu Long Biên là một sự tiếc nuối với mình và nhiều người khác” – Khánh Huy (17 tuổi, Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết

Còn với nhiều người và đặc biệt với Hà Nội, việc phá cầu là phá đi một con đường nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai nữa.

Chứng nhân tình yêu đôi lứa

Không biết tự bao giờ, cây cầu đã trở thành chứng nhân tình yêu bất diệt của biết bao cặp đôi. Những nụ hôn nồng nàn, những lời ước hẹn, những nét chữ son thề… đều hiện diện rõ ở nơi này. 

Cây cầu với nét cổ kính, một bên là cánh đồng lau, bờ bãi nên thơ làm cho buổi hẹn hò lãng mãn của nhiều cặp đôi. Ngày nay, càng nhiều cặp uyên ương tìm đến đây ngoắc ổ khóa vào thành cầu rồi vứt chìa xuống sông như muốn tình yêu của mình được trường tồn, vĩnh cửu

Các cặp đôi thường dắt nhau lên cầu để cùng đi dạo, trò chuyện tâm sự và chụp lại khoảnh khắc đôi lứa trong một không gian đẹp.

Bạn Mạnh Hùng, sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải chia sẻ về câu chuyện tình: “Mình và bạn gái tình cờ quen nhau cũng trên cây cầu này trong một buổi chiều đi dạo. Cây cầu như là ông tơ, bà nguyệt cho tình yêu của bọn mình. Vào những dịp Valentine, mùng 8/3, ngày kỉ niệm 2 đứa yêu nhau, chúng mình đều lên đây ôn lại kỉ niệm”

“Cầu Long Biên là một phần không thể thiếu của Hà Nội”

Đó là khẳng định của hầu hết những bạn trẻ không chỉ những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mà còn những bạn trẻ từ nơi khác đên khi được hỏi về sự quan trọng của cầu Long Biên.

Bạn Nguyễn Bình Minh (20 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Mình là người yêu lịch sử Cầu Long Biên cũng như những gì gắn bó thân thuộc của Thủ đô và người Hà Nội. Mình rất mong giữ gìn và bảo tồn được cầu Long Biên vì nó thuộc về giá trị lịch sử và nhân văn”.

Bạn Nguyễn Diệu Linh (Hải Phòng), đang là sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, chia sẻ: “Với mình, ấn tượng đầu tiên về Hà Nội chính là cây cầu Long Biên. Nó mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, đầy sức lãng mạn”.

Bích Phương, sinh viên năm cuối của trường ĐH Xã hội và Nhân văn cho rằng: "Theo mình nên giữ cầu Long Biên để lớp trẻ và con cháu sau này biết rằng: Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp, từng chịu áp bức và bóc lột của một nước lớn. Nhưng người Việt Nam đã kiến cường, anh dũng đánh đuổi kẻ thù".

Cùng với các công trình kiến trúc đậm chất văn hóa Pháp như hệ thống biệt thự Pháp ở Hà Nội; bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát lớn; Phủ chủ tịch; và hàng loạt nhà thờ… thì cầu Long xứng đang là một di sản cần được giữ gìn bảo vệ và cũng là một di sản trong lòng mỗi người dân.

Kim Bông - Lưu Nhạn
Hà Nội
MỚI - NÓNG