Cầu Long Biên - 'Tình yêu còn mãi'

Sinh viên ký họa cầu Long Biên từ bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Hà
Sinh viên ký họa cầu Long Biên từ bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Hà
TP - Gần 1.000 sinh viên chuyên ngành kiến trúc thuộc các CLB kiến trúc - quy hoạch tại Hà Nội ngày 9/3 tham gia Đại hội ký họa cầu Long Biên với chủ đề “Tình yêu còn mãi”.

Hà Nội sáng cuối đông, gió mùa lùa hun hút. Cầu Long Biên già nua chật chội hơn mọi ngày, bởi hàng nghìn bạn trẻ đến dự đại hội ký họa đi lại rộn ràng hai bên thân cầu. Cầu Long Biên được soi, chụp từ nhiều góc nhìn của những người trẻ tuổi để rồi phút chốc, dưới bàn tay khéo léo, chiếc cầu được tái hiện ở hàng trăm góc độ.

Chương trình do CLB Kiến trúc - Trường Đại học Phương Đông tổ chức, quy tụ sinh viên chuyên ngành kiến trúc ở nhiều trường ĐH ở Hà Nội.

“Bình thường rất khó quy tụ được nhiều sinh viên cùng chuyên ngành kiến trúc, nhưng có lẽ hôm nay các bạn trẻ đã gặp nhau vì tình yêu với cây cầu của lịch sử”

Sinh viên được tự do lựa chọn góc nhìn, điểm vẽ. Mặc dù chương trình kéo dài cả ngày, nhưng từ sáng sớm, nhiều sinh viên đã có mặt để chọn cho mình vị trí, điểm ngắm đẹp mắt.

Người chọn góc ngồi trên bờ cát nhìn ra cầu Long Biên từ dòng nước lững lờ của sông Hồng, người chọn góc giữa vườn chuối nhìn lên những nhịp cầu nối dài, cũng có người ngồi ngay trên cầu để phác họa cây cầu già tải đoàn tàu và dòng người chầm chậm đi qua…

Cầu Long Biên - 'Tình yêu còn mãi' ảnh 1

Hoàng Phan Việt Dương, Chủ nhiệm CLB Kiến trúc - Trường ĐH Phương Đông, nói rằng chương trình nhằm thể hiện tình yêu của giới trẻ đối với cầu Long Biên cũng như ước vọng cây cầu sẽ còn mãi với thời gian. Dương cho biết, sản phẩm thu hoạch được sẽ được thầy cô trong trường cùng chấm và lựa chọn ra 112 bức họa xuất sắc để triển lãm.

Vẽ bằng tình yêu

Lê Thị Thanh Mai, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, chọn cho mình một góc ở bãi giữa sông Hồng. Từ đây, Mai có thể quan sát được hết những nhịp cầu cũ kỹ.

Hơn một giờ trôi qua, nhưng bản vẽ trên tay Mai mới chỉ có những đường nét đơn giản bằng bút chì. Mai nói sợ không thể hiện hết được trên bức vẽ nên phải tính toán. Mai cho biết, cô chọn góc có những nhịp cầu lên, xuống để ký họa và đặt tên là “Thăng trầm lịch sử”.

Mai kể, từ khi chưa đặt chân lên đất Thủ đô, cô gái quê lúa Thái Bình như cô đã biết đến hình ảnh cầu Long Biên và những trận chiến lịch sử. Ngay khi vào năm thứ nhất đại học, Mai và bạn bè thường xuyên qua lại nơi đây để hóng gió, dạo chơi. “Có quá nhiều kỷ niệm vui, buồn với bạn bè trên cây cầu này”, Mai nói.

Sinh năm 1992, Nguyễn Cao Đại, sinh viên khoa Kiến trúc (trường ĐH Nguyễn Trãi), chọn cách cảm nhận vẻ đẹp của cầu bằng cách, đến từ sớm và đi bộ một vòng hết hai lượt cầu. Cầm giấy bút trên tay, Đại ngồi một góc ký họa chân cầu đoạn không còn nguyên vẹn.

Đại cho biết, sẽ mất khoảng 3 - 4 giờ để hoàn thành bức ký họa sâu vào chi tiết chân cầu. Vì sao anh không chọn những nhịp cầu đẹp bên kia? Đại trả lời, mỗi người có một góc nhìn, với anh, chân cầu trụ trăm năm vững chãi qua bao nhiêu trận bom, hàng trăm nghìn lượt tàu xe đi qua là một sự vĩ đại.

Anh thổ lộ, mình rất yêu cây cầu này, nên khi vui hay buồn đều tìm đến đây để đi dạo. Có khi, anh xách máy ảnh chụp cả ngày với hàng trăm bức đủ các góc. Cũng có khi buổi tối anh cùng bạn bè ra ngồi nhâm nhi ngô nướng, uống nước chè…

Trước đây, sinh viên chuyên ngành kiến trúc các CLB ở nhiều trường thường gặp nhau 2 năm một lần ở dịp Festival chuyên ngành kiến trúc, nhưng có lẽ vì tình yêu với cầu Long Biên nên khi có đại hội ký họa này, hầu hết đều hào hứng tham gia.

Từ 1.000 bức họa, ban tổ chức sẽ chọn 112 bức đẹp nhất tham dự triển lãm Casa Italia HaNoi vào giữa tháng. Sự kiện đã được Cty Cổ phần Truyền thông Alo Melia đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam về lượng sinh viên chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch cùng tham gia giao lưu, ký họa về công trình cầu Long Biên nhiều nhất từ trước đến nay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.