Trốn đóng BHXH: Cần xem là tội danh

Trốn đóng BHXH: Cần xem là tội danh
TP - Ít nhất trong 5 năm trở lại đây, câu chuyện các doanh nghiệp dây dưa trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động đã được dư luận nêu đi nêu lại nhưng “biến chuyển” duy nhất có lẽ là tình hình ngày một trầm trọng hơn, lan rộng hơn.

> Doanh nghiệp nợ BHXH đầm đìa

Tính từ năm 2005 đến 2011, số nợ BHXH của các doanh nghiệp tăng từ 1.064 tỷ đồng lên hơn 3.338 tỷ đồng. Tình trạng trốn đóng BHXH xuất hiện ở hầu hết các địa phương với quy mô “năm sau cao hơn năm trước”, và lan sang cả những doanh nghiệp lớn của nhà nước, thay vì chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn nước ngoài như trước đây.

Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp tỏ ra ngày càng “nhờn”, tìm mọi cách để lách luật, trục lợi từ những kẽ hở của pháp luật. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do các chế tài xử phạt hành vi trốn đóng bảo hiểm còn nhẹ, không đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, việc kiện các doanh nghiệp ra tòa cho đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng mong muốn vì thủ tục khởi kiện kéo dài trong khi doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật, trốn tránh trách nhiệm. Khởi kiện thành công rồi cũng chưa xong, bởi khâu thi hành án cũng có nhiều vướng mắc.

Hàng ngàn tỷ đồng đã bị một số cá nhân chiếm dụng. Nhà nước thất thu, hàng chục người lao động thiệt thòi rất lớn. Tuy nhiên, những tin bài trên các báo về chuyện doanh nghiệp trốn đóng BHXH cũng cho thấy một thực tế là không phải người lao động nào cũng hiểu đầy đủ và có cơ hội để hiểu hết, biết hết về quyền lợi của mình.

Một nam công nhân đang làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) cho biết: Lúc vào nhận việc, công ty phổ biến về đóng các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... nhưng chúng tôi cũng không rành mấy. Chúng tôi chỉ biết phần tiền đóng bảo hiểm sẽ bị trừ vào tiền lương, ngoài ra chẳng biết gì khác.

Đây cũng có thể được xem là một nguyên nhân dẫn đến thực tế ở TPHCM: dù có khoảng 80.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ một nửa số đó tham gia đóng BHXH. Thực tế này cũng nói lên một khía cạnh khác: những tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động như công đoàn đã không phát huy hiệu quả.

BHXH được coi là xương sống của một nền an sinh xã hội, có vai trò sống còn và là quyền lợi thiết thân của người lao động. Trục lợi trên BHXH là sự lừa đảo để trục lợi trên mồ hôi, công sức của người khác. Dư luận chắc chắn đang chờ những biện pháp mạnh từ cơ quan chức năng đối với hành vi trốn đóng BHXH và thực tế đang chứng tỏ đã đến lúc cần xem hành vi này như một tội danh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG