Trốn đóng bảo hiểm, vì sao khó xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các hành vi nghiêm cấm cùng chế tài xử lý với các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu.

Đề xuất Công đoàn, MTTQ có quyền kiến nghị khởi tố

Tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng một số đại biểu khác quan tâm đến thực trạng trốn đóng BHXH cho người lao động đang diễn ra nhiều hiện nay. Khắc phục tình trạng này, theo bà Yến, ngoài cơ quan BHXH, cần bổ sung thêm các tổ chức khác, như công đoàn, hay MTTQ cũng có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố.

Trốn đóng bảo hiểm, vì sao khó xử lý hình sự? ảnh 1

Các đại biểu thảo luận ở tổ cho ý kiến Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Ảnh Như Ý

Cùng mối quan tâm, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, thực tế có tình trạng người lao động vẫn đóng BHXH, nhưng doanh nghiệp lại không đóng cho cơ quan bảo hiểm, mà sử dụng phần đó của người lao động. Ngoài ra, quá trình giải quyết chế độ BHXH cũng có hành vi gian lận, chiếm dụng bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy đại biểu kiến nghị, phải quy định cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động phải mất chi phí lớn, ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp nên họ tìm cách né tránh, giảm mức đóng bằng cách cho người lao động hưởng trợ cấp, tính bổ sung mà không tính vào tiền lương. Khi doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH đã có Luật Hình sự quy định, tuy nhiên thời gian qua, rất hiếm trường hợp bị xử lý trốn đóng BHXH, nếu có cũng chỉ xử lý bằng pháp nhân, chưa có xử lý với cá nhân. Theo ông, đây là vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý.

Ông Hải cũng cho rằng, lần sửa đổi này có những phản ứng trái chiều, chủ yếu là vấn đề thời gian đóng và rút BHXH một lần. Việc giảm thời gian đóng xuống 15 năm, một mặt sẽ tạo điều kiện mở rộng đối tượng, song lại xảy ra tình trạng nhận lương hưu thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Bên cạnh đó, nếu cho phép rút BHXH một lần với 50% thì số tiền còn lại sẽ rất thấp, khi về già sẽ không còn nhiều ý nghĩa với công tác an sinh xã hội.

“Mục tiêu của việc giảm rút BHXH một lần nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội khi về già. Tuy nhiên, quy định được rút 50% BHXH một lần sẽ gây ra những phản ứng trái chiều, nên phải giải thích, tuyên truyền tốt để người dân hiểu được ý nghĩa của chính sách này”, ông Hải nói.

Song trùng với cải cách tiền lương

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, rút BHXH một lần là vấn đề người lao động quan tâm nhất. Dự thảo luật mới quy định thời gian đóng tối thiểu để được lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng đến 10 năm sẽ tác động một phần tới tình trạng này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nước có chính sách an sinh tốt không cho rút một lần, thậm chí còn không phải quy định điều đó vì họ không có nhu cầu. Tuy nhiên, nước ta thì khác, vì khó khăn nên họ mới phải rút vì trả nợ, trang trải cuộc sống… Vì thế có ý kiến cho rằng, không nên cấm đoán nhưng phải thiết kế chính sách làm sao để lưu người đóng vào hệ thống, hạn chế tình trạng rút một lần thôi.

Chủ tịch Vương Đình Huệ nói rằng, không nên phân biệt việc cho phép rút bảo hiểm một lần trước hay sau khi luật này có hiệu lực, bởi nếu luật mới không cho phép sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của người lao động, khiến tình trạng rút bảo hiểm một lần tăng thêm. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần thiết kế chính sách sao cho người lao động có lựa chọn tốt nhất khi tham gia BHXH. Ví dụ như người có thời gian đóng mà chưa hưởng lương hưu thì vẫn được trợ cấp hoặc có thể tích hợp bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả; hoặc phương án rút một phần, lưu lại một phần rồi sau vẫn có thể quay lại đóng tiếp.

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, từ Hội nghị Trung ương 7, có 2 nghị quyết chưa ban hành được là các nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và nghị quyết cải cách chính sách BHXH. Lộ trình cải cách tiền lương dự kiến làm từ 2021 nhưng bị tác động của COVID-19 nên trình Trung ương cho phép lùi lại. Giờ Chính phủ bàn, quyết định tiến hành vào 1/7/2024.

Còn với chính sách BHXH, đã thể chế hóa được rồi, là vấn đề tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động. Do độ trễ của cải cách tiền lương, nếu dự án này thảo luận, kỳ sau thông qua, có thể áp dụng gần như song trùng cải cách bảo hiểm với cải cách tiền lương thì rất đẹp.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội cho biết: Khi doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH đã có Luật Hình sự quy định, tuy nhiên thời gian qua, rất hiếm trường hợp bị xử lý trốn đóng BHXH, nếu có cũng chỉ xử lý bằng pháp nhân, chưa có xử lý với cá nhân. Theo ông, đây là vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý.

MỚI - NÓNG