Trời 'rét độc', giữ cách này để tránh đột tử cho người già, trẻ em

Ảnh minh hoạ:Internet
Ảnh minh hoạ:Internet
TPO - Thời tiết rét đậm, rét hại nhiều ngày qua ở miền Bắc cực kỳ nguy hiểm, khiến hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh cúm, ho, cảm lạnh, viêm phổi, tim mạch, đột quỵ, nhất là trẻ em, người già.

Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, rét đậm rét hại khiến nhiều bệnh nhân nhập viện vì đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và phải thở máy. PGS. Hạnh khuyến cáo, trong thời tiết rét mướt như hiện nay, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cơ thể, mặc áo ấm, tất ấm, khăn quàng ấm và tuyệt đối không đi thể dục ngoài trời lúc 5 - 6 giờ sáng.

Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, kỹ thuật dùng thuốc đúng cách, dinh dưỡng đầy đủ, tiêm dự phòng vắc xin cúm, tránh xa các yếu tố nguy cơ (thuốc lá, khói bụi, khói than...) bệnh nhân COPD sẽ ổn định, giảm nguy cơ lên đợt cấp nguy hiểm.

Để giữ ấm cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh trong mùa đông và khi thời tiết lạnh phải thường xuyên mặc quần áo đủ ấm, đi tất cho trẻ. Khi đi ngủ đắp chăn đủ ấm cho trẻ, tuy nhiên không đắp quá nhiều chăn, làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.

Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Bác sĩ Nguyễn Minh Điển khuyến cáo, với trẻ nhỏ, cần giữ ấm cho trẻ nhưng cũng không nên mặc quá kín dễ gây ngạt, tốt nhất là không mặc quá 4 lớp quần áo. Ngoài ra cần vệ sinh cơ thể và vệ sinh môi trường sống thường xuyên, cho trẻ ăn những thức ăn giàu đạm, chất khoáng, vitamin... để tăng sức đề kháng.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh 

Trời 'rét độc', giữ cách này để tránh đột tử cho người già, trẻ em ảnh 1 GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề. Ảnh minh hoạ: Internet

Với người lớn tuổi, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề.

Để phòng bệnh đột quỵ, GS.TS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.

Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi...

Ngoài ra, để ngừa đột quỵ vào mùa đông, cần lưu ý có chế độ ăn nhiều rau củ quả, hạn chế muối để tránh nguy cơ cao huyết áp - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Một chế độ ăn không quá nhiều muối, hạn chế thịt sữa, tránh xa thực phẩm chứa nhiều cholesterol, ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, tránh hút thuốc lá và rượu bia... Cùng với luyện tập thể dục đều đặn, hãy cố gắng duy trì tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức.

Theo bác sĩ Mạc Duy Tôn – khoa Cấp cứu, khi phát hiện người bị đột quỵ, nên gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất có thể. Khung giờ vàng để cấp cứu đột quỵ là dưới 6 tiếng đồng hồ.

Tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai hàng năm đều cấp cứu rất nhiều trường hợp ngộ độc khí CO, nguyên nhân là do đốt than tổ ong trong phòng kín. Đối với các thiết bị như quạt điện, chăn điện, máy sưởi, mọi người cần kiểm tra kỹ trước khi sử dụng tránh điện rò rỉ ra bên ngoài. Sử dụng thiết bị sưởi ấm chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tắt thiết bị khi đủ ấm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên 
Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

MỚI - NÓNG