Trở lại vùng rốn lũ

Khu vực suối Huẩy Phang, nơi lũ dữ nuốt chửng 5 căn nhà của bà con. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Khu vực suối Huẩy Phang, nơi lũ dữ nuốt chửng 5 căn nhà của bà con. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - “Theo bản năng, tôi vùng vẫy, vật lộn với “thủy thần”. May mắn thay, trôi được khoảng 200m, tôi mắc vào một cây ổi cạnh khe suối, gắng gượng bò lên bờ. Đùi tôi bị va đập vào đá, gỗ, chảy máu rất nhiều. Tôi cố lết về đến cái lán tít đằng kia, nhìn thấy nhà mình bị san phẳng, trong khi lũ vẫn cuồn cuộn trôi”, Lò Văn Lập nhớ lại.

Lúc đấy nghĩ chắc chết hết rồi!

Cuối tuần vừa qua, trong chuyến thiện nguyện tại Yên Bái, tôi có dịp về lại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, nơi trận lũ lịch sử từng cướp đi sinh mạng 8 người trong đêm định mệnh 11/10. Đường về Hát Lừu vẫn gập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều đoạn đang phải chắp vá phản chiếu cuộc sống còn bộn bề khó khăn của bà con nơi đây.

Anh Lò Văn Thực, cán bộ đội Văn hóa – Xã hội của xã Hát Lừu dẫn tôi tới khu vực khe suối Huẩy Phang, nơi mấy chục năm qua nước suối vẫn chảy róc rách, êm đềm qua thôn bản. Thế nhưng, trận lũ lịch sử đêm 10, rạng sáng 11/10 đã cướp đi sinh mạng 8 người, 6 người bị thương, 11 nhà bị trôi hoàn toàn, 48 ha lúa mất trắng.

Trở lại vùng rốn lũ ảnh 1 Nét hồn nhiên của trẻ nhỏ vùng cao Hát Lừu. Ảnh: Việt Anh.

“Trước đó, ở khu vực bờ suối này có 5 căn nhà, gồm 1 nhà cấp bốn và 4 nhà sàn. Bản làng đang bình yên, bỗng đâu mây đen kéo về, mưa lũ ầm ầm trút xuống. Đêm 10, rạng sáng 11/10, mưa xối xả, nước lũ ngày càng dâng cao. Khoảng 4h sáng 11/10, lũ từ trên núi trút xuống ầm ầm, cuốn phăng hết 5 căn nhà này, chỉ còn trơ lại sỏi đá, vài khúc gỗ. Căn nhà cấp bốn của anh Lò Văn Vinh xây bằng bê tông kiên cố, thế nhưng, lũ từ trên cao đổ về, tống trôi căn nhà của anh trai Lò Văn Mười, xô đổ cả nhà anh Vinh. Xen trong tiếng mưa lũ gầm thét văng vẳng tiếng kêu cứu thảm thiết, tiếng hò hét sơ tán. Thi thể anh trai của Lò Văn Mười bị căn nhà của anh Vinh đè lên. Tổng cộng có 8 người bị lũ dữ cướp đi sinh mạng”, anh Thực kể.

Nói đoạn, anh Thực dẫn tôi lên nhà anh Lò Văn Lập (26 tuổi, bản Hát 2, xã Hát Lừu). Lúc này, anh Lập đang ngồi trên máy xúc hướng dẫn san ủi mảnh đất vốn trước đây là tổ ấm của mình. Nhớ lại rạng sáng 11/10, anh Lập vẫn chưa hết bàng hoàng: “Cả nhà đang ngủ, nghe tiếng nước lũ đổ ầm ầm. Tôi bật dậy chạy ra che chắn chuồng lợn, ao cá vì chuẩn bị đến ngày thu hoạch, sợ lũ nhấn chìm. Khoảng 4h45, thấy nước lũ lên cao, làng trên xóm dưới hò hét sơ tán, tôi cuống cuồng chạy vào gọi vợ bế con chạy đi. Chưa kịp tới cửa, tôi bị trượt chân, cuốn theo dòng lũ”.

“Ai phát hiện và cứu được anh”, tôi hỏi. “Theo bản năng, tôi vùng vẫy, vật lộn với “thủy thần”. May mắn thay, trôi được khoảng 200m, tôi mắc vào một cây ổi cạnh khe suối rồi gắng gượng bò lên bờ. Đùi tôi bị va đập vào đá, cành cây chọc rách da, tứa máu. Tôi cố lết về đến cái lán tít đằng kia, nhìn thấy nhà mình đã bị san phẳng, trong khi lũ vẫn...cuồn cuộn trôi”, anh Lập nhớ lại.

Anh tiếp “Tôi bàng hoàng không thể tin vào mắt mình. Lúc đấy cứ nghĩ chắc vợ con đã bị cuốn trôi, chết hết rồi. Tôi hô hoán dân làng bới đống đổ nát, nhưng do vết thương nặng, đuối sức nên ngất đi lúc nào không hay. Lúc đấy trời cũng gần sáng, nước rút dần. Không ngờ, ông bà và dân làng lại tìm thấy vợ tôi bên dưới bờ ruộng bậc thang, sát vách nhà. Chính bờ ruộng và chiếc cây đổ xuống đã che chắn, cứu sống sinh mạng vợ tôi”.

Đớn đau nhất con gái mới gần 4 tuổi của vợ chồng Lập đã vĩnh viễn ra đi sau đêm định mệnh ấy. Hai vợ chồng tỉnh dậy khi đang nằm trong bệnh viện huyện sơ cứu. Nghe vợ kể giây phút chạy vào giường để bế con nhưng không kịp, cả nhà đổ sập, lũ nuốt chửng cả hai mẹ con, anh Lập như đứt từng khúc ruột. Thi thể cháu bé được người dân và chính quyền tìm thấy sau đó 3 ngày, cách nhà hơn 100km.

Ngay bên trên nhà Lập là khu đất cũng đã được san phẳng. Theo Lập kể, trước đó ở đây là 2 căn nhà của bố đẻ anh Lò Văn Mười và gia đình vợ chồng anh trai cùng 2 cháu nhỏ. “Mẹ Mười mất sớm. Nhà có 4 anh em trai, 3 người đã lập gia đình. Đây là căn nhà chính của bố mẹ Mười, bên cạnh là nhà của người anh thứ ba. Gia đình khó khăn nên Mười phải lặn lội xuống Hà Nội tìm việc mưu sinh”, anh Lập cho hay.

“Nghe mọi người kể lại, lúc lũ ống trút xuống, hai vợ chồng anh trai Mười hốt hoảng tìm cách che chắn cho căn nhà. Ông nội và 2 cháu vẫn đang ngủ. Bất ngờ cả nhà đổ sập, lũ cuốn trôi luôn 5 người”, anh Lập kể thêm.

Cùng lúc này, chúng tôi nghe thấy tiếng xe máy Win xình xịch chạy về. Nhìn từ xa, cán bộ Thực cho biết đấy là Lò Văn Chiêm, anh thứ hai của Lò Văn Mười. Anh Chiêm cho biết, như ông bà ngoại của anh kể lại, từ lúc họ còn nhỏ đến nay, đây là trận lũ kinh hoàng thứ 2 mà ông bà chứng kiến, còn với anh đây là lần đầu. “Sự tình tôi cũng không biết cụ thể. Chỉ nhớ khoảng 1h sáng hôm đó, tôi đang đi giúp bà con trong thôn bản ở bên kia di dời tránh lũ, không nghĩ rằng gia đình bố đẻ và em trai mình cũng bị sự cố”.

Trở lại vùng rốn lũ ảnh 2 Anh Lò Văn Lập - người trở về từ cõi chết. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Khoảng 5h kém 20, khi đang ở thôn Hát 1, tôi nghe bà con nói: “Về xem nhà mày có bị sao không, nước ngập hết rồi”. Tôi khăng khăng: “Nhà bố tôi mà bị cuốn thì ở đây làm gì còn nhà nào nữa”. Nghe vậy, em họ tôi chạy tới hốt hoảng: “Anh ơi, về nhà đi! Nhà chẳng thấy mà người cũng chẳng thấy nữa đâu!”. Tôi cuống cuồng chạy về thì đúng là...chẳng còn nhà, chẳng thấy người đâu nữa. Đi tìm suốt cả con suối không thấy bố và vợ chồng em trai cùng 2 cháu đâu cả...Người tôi như chết lặng”, giọng anh Chiêm chợt nghẹn ngào.

Theo anh Chiêm, khoảng 7h kém cùng ngày, mọi người tìm thấy thi thể em dâu anh ở dưới bãi ruộng. Bà con tản ra tiếp tục tìm kiếm ông nội và ba bố con em trai Chiêm. Mọi người vẫn động viên chắc bố đang ở đâu đó, không sao đâu nên anh cũng vơi đi phần nào lo lắng. Cho đến gần trưa, nước rút hẳn, thấy bà con khiêng thi thể bố về, người Chiêm khuỵu xuống. Cả làng bản cùng kéo đến động viên anh. “Nếu 3 cha con em trai còn sống chắc cũng phải tìm đường về nhà rồi...Xác định là thế nhưng tôi vẫn nuôi giữ những tia hy vọng cuối cùng và tiếp tục tìm kiếm”, Chiêm kể.

Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường huyết mạch về Trạm Tấu bị chia cắt, trong đó có cầu Thia bị đổ sập, ùn tắc kéo dài. Sóng điện thoại cũng chập chờn, lúc được lúc mất. Đến chiều 12/10, anh Chiêm mới liên lạc được với cậu em út – Lò Văn Mười, đang làm thuê dưới Hà Nội. Nghe tin dữ, Mười vội vã bắt xe về quê. Thế nhưng, đến đoạn cầu Thia xe không thể đi được nữa, Mười phải đi bộ từ Nghĩa Lộ, cách nhà 30 km, 2 ngày sau mới về tới nơi.

Hồi sinh

Chia tay chúng tôi, anh Lò Văn Lập và Lò Văn Chiêm lại xắn tay quần, tay áo lội xuống ruộng đào đất, san lấp. Vết thương trên đùi Lập nay đã thành sẹo. Sau trận lũ, anh Lập phải chuyển qua ở nhờ nhà bố mẹ đẻ bên thôn Hát 2. Vợ anh đang phải ở dưới thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc bà nội - đang bị u xơ, nằm viện. Lò Văn Mười trở lại Hà Nội để làm thuê, kiếm sống. Anh trai của Mười là Lò Văn Chiêm cũng trở về với căn nhà của mình. Nén đau thương, mất mát, những người đàn ông trụ cột trong gia đình lại vun đắp cho một cuộc sống mới, dẫu biết rằng khó khăn còn bộn bề.

Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho hay, với tinh thần tương thân tương ái, rất nhiều đoàn thiện nguyện đã tới thăm hỏi, giúp đỡ bà con từ lương thực, chăn áo ấm và hỗ trợ cả tiền bạc, thăm khám sức khỏe cho các gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất. “Cấp ủy chính quyền địa phương đã hỗ trợ, vận động nhân dân làm nhà mới ở, xã bố trí chọn địa điểm cấp đất cho các hộ dân. Cùng với sự ủng hộ của Trung ương, lãnh đạo tỉnh, huyện và các cấp bộ, ngành, các tổ chức chính trị, các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần kinh phí để các gia đình xây dựng nhà mới. Hiện nay, một số gia đình đã chuyển vào nhà mới ở. Một số khác đang ở tạm nhà người thân”, Chủ tịch xã Hát Lừu cho biết thêm.

Theo ông Chiến, các hộ gia đình bị mất nhà, mất cửa đã có đất để dựng lại nhà mới. Vị trí của những căn nhà sát bờ suối nay được người dân san ủi để trồng cấy, khôi phục sản xuất, tăng gia chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống.

Dọc đường từ Hát Lừu trở về xuôi, tiếng đục đẽo gỗ, tiếng máy nghiền trộn bê tông rộn ràng, hối hả. Trong ánh mắt hồn nhiên của lũ trẻ, tiếng cười nói của người lớn, tôi cảm nhận được sự sống đang hồi sinh mãnh liệt nơi đây.

Nhìn về phía chân đồi với những ngôi mộ mới đắp đất, anh Chiêm kể: “Sau khi tìm thấy thi thể của cả 5 người, anh em tôi lo mai táng cho bố cùng gia đình người em trai. Chính quyền trung ương, địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng về hỗ trợ, động viên. Số tiền hỗ trợ, chúng tôi gom góp để lại sau này cho Mười về dựng lại nhà, ổn định cuộc sống”.

MỚI - NÓNG