DƯỚI VÒM CÂY “SỐNG ẢO”
Trưa 16/10, tôi quyết định đến phố đường tàu lần nữa nhưng không phải đoạn có xóm cà phê, mà là con đường dẫn đến vòm cây gần phố bích họa. Vì nghe nói đây là thủ phạm khiến chuyến tàu mang số hiệu LP5 từ Hà Nội đi Hải Phòng phải dừng khẩn cấp 10 ngày trước đó.
Những cây này tự sinh tự lớn, mọc vòng bên này sang bên kia đường tàu. Lâu ngày cây xanh tốt sà xuống, tàu đi xuyên qua tạo thành vòng cung đẹp lãng mạn làm các bạn trẻ đổ xô đến check in (nhiều người nói nặng lời: “sống ảo”). Nghe nói chiều 6/10 đó, tụ tập đông quá mà đoạn này không phải đường dân sinh, không có lối đi xuống (đường tàu cao hơn mặt đường phố khoảng 2 mét), nếu tàu đi qua khách chỉ còn cách nép sát lan can. Chật lại đông cho nên tàu mới phải dừng.
Bây giờ, tin mới là vòm cây không còn mướt mát như trước mà đã bị phạt bớt, xơ xác. Và có leo lên đây mới thấy, bẩn kinh. Từ đoạn Nguyễn Văn Tố nhìn sang cho đến phố bích họa - rác đầy đường ray và dọc hai bên, cả “mìn mo”.
Xóm cà phê đường tàu cũng chỉ mới khá lên thôi. Trước kinh lắm. Xem clip của những người nước ngoài đầu tiên khám phá phố đường tàu, làm cách nay 2 năm, cảm giác của tôi là vừa ái ngại vừa thầm trách sao người dân lại để mình sống trong cảnh nhếch nhác uế tạp như thế mà vẫn chịu được. Nói vui là “bôi bác chế độ”.
Tú và Thủy, cư dân ở đây, thanh minh: Đó là do những người thuê trọ. Vì xóm đường tàu vốn rất nghèo khổ, toàn sống bằng đạp xích lô, chở hàng, bán cơm bình dân, và cho người lao động nghèo ở ngoài đến thuê trọ. Họ cứ giặt giũ, nấu nướng, phơi phóng quần áo dọc đường tàu, bảo không được...
Có phải, cuộc mưu sinh nhọc nhằn khiến chúng ta coi sự sạch sẽ tinh tươm là xa xỉ? Cứ phải sống đã còn thì tính sau? Mà không riêng nơi nào đâu, không chỉ tầng lớp dưới đáy đâu. Tú ở trên kia, nói: “Xóm này tất nhiên chất lượng sống kém nhưng còn hạnh phúc hơn ối nhà phố cổ, 3 đến 5 mét vuông, thay quần áo phải nằm, báo chí vừa viết đấy…”.
Trong khi chờ đời sống khá lên, sao ta không thu vén không gian quanh mình, xóm, phường, quận, thủ đô của mình? Cả Hà Nội ô nhiễm vì bụi và khói chưa đủ sao, mà còn tự tạo những nguy cơ, độc hại chết người khác nữa?
Dù số phận cà phê đường tàu thế nào, tôi hy vọng người dân ở đây không trở lại nếp sống tạm bợ xưa, còn du khách cũng liệu tiết chế. Đến vòm cây, mảnh xanh đầy nhân văn, làm dịu bớt náo nhiệt phố phường và phiền toái tàu xe, mà rồi cũng phải chặt hạ, nếu chỉ vì để khỏi chếch in chếch iếc, thì có đáng?
NHỮNG KIẾN NGHỊ
Xóm đường tàu giờ thay đổi chóng mặt dù dấu tích thời bao cấp vẫn còn đó. Nhiều quán xá trang trí rất được. Cao hứng, bà con lắp đèn lồng trông lung linh (giờ gỡ hết rồi).
Tú, chủ quán Sân Ga - quán cà phê đầu tiên ở phố đường tàu, cùng chị em Mai - Thủy ở số nhà 40 cho biết: Nhà họ luôn trang trí hình ảnh Hà Nội cổ, nào tàu điện, Ô Quan Chưởng, cầu Long Biên... Tú kể: Có du khách hỏi về lịch sử đoạn phố này, tôi cho biết nó có từ năm 1902 gắn với lịch sử đường sắt Việt Nam do người Pháp xây dựng. Nghe câu chuyện đường sắt và chiến tranh, đột nhiên người khách Pháp nghẹn ngào.
Những phụ nữ này - Tú, Mai, Thủy, tổng kết: Du khách đến đây, họ không chỉ muốn ăn uống và ngắm tàu thôi đâu. Chính vì thế người nơi khác đến đây bán quán sẽ không thể bằng dân gốc, vốn là cán bộ công nhân viên đường sắt và con cháu họ. Khách muốn nghe chính những người này kể chuyện cuộc sống của mình, kể về lịch sử Hà Nội, lịch sử đường sắt...
Vâng, được thế thì tốt quá. Mỗi người không chỉ là cư dân, làm kinh doanh mà còn là một hướng dẫn viên du lịch. Cả khu phố là những chứng tích, chứng nhân lịch sử. Thậm chí những đại sứ du lịch.
Tàu hằng ngày vẫn phải chạy. Người dân vẫn phải sống, cho nên nhiều chuyên gia đã lên tiếng kiến nghị giải pháp cho nơi này.
Trong khi một số nhà quản lý cho rằng, không nên để mất bò mới lo làm chuồng, và không hút khách Tây bằng mọi giá, thì Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền kiến nghị không nên “xóa hết” mà cần khảo sát vị trí nào có hành lang đủ an toàn thì cho tồn tại quán xá, và phải lấy ý kiến dân chúng cũng như chuyên gia để có hướng xử lý phù hợp. Một chuyên gia giao thông khác, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định: “Cố tình cấm sẽ như bắt cóc bỏ đĩa, dân sẽ tiếp tục kinh doanh trong nhà bởi nhu cầu của khách là có. Đây là xu thế phát triển, ta không thể ngăn được”. Phó trưởng phòng Vận tải- An toàn Giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam - ông Uông Đình Hùng nêu ý kiến: “Ngoài tuyên truyền vận động dân ký cam kết an toàn đường sắt, có thể làm các đường gom có hàng rào - một hàng rào rất văn hóa chứ không phải rào cấm. Khách có thể đứng bên trong hàng rào ngắm tàu chạy qua”…Vân vân.
THẬP DIỆN MAI PHỤC
Người ta nói mỗi mét đất ở Hà Nội đều là di tích. Thế rồi hằng ngày đi qua các di tích lịch sử, sông hồ, danh lam thắng cảnh, phố xá…, người sống lâu năm ở Hà Nội như tôi thấy ta đang phí phạm ghê gớm cơ hội làm nơi sinh sống của mình khá hơn, du lịch khởi sắc hơn. Để du khách đến đây muốn quay lại chứ không phải là “thử một lần cho biết” như hiện trạng.
Từ việc không quá lớn như xử lý cà phê đường tàu sao cho vẹn đôi đường đã thấy bấn xúc xích, chưa thấy cái khó ló cái khôn. Cái khó của chúng ta, không riêng ai, không riêng phố đường tàu, là: vừa ở giữa muôn trùng vây của cuộc mưu sinh lại phải lo âu tăng trưởng du lịch, và thượng tôn pháp luật…
Thế nên trong bối cảnh không khí thì ô nhiễm, đáng báo động ở hàng “Top” thế giới, lại bồi thêm những vố như vụ phát tán thủy ngân do cháy Rạng Đông, hoặc nước nhiễm dầu khiến ký ức bao cấp một phen ùa về... Đi trên phố đường tàu hôm nay - một mảnh nhỏ Hà Nội, thấy lòng trĩu nặng hơn là hy vọng...
D.P.V
__________
Chị Jackie Jameson, du khách đến từ nước Anh, nhiệt tình góp ý với cư dân khi được hỏi về giải pháp cho cà phê đường tàu nếu được mở lại: “Có thể đặt barie trước các quán. Khi tàu đến, barie tự động kéo và chuông cảnh báo sẽ kêu. Kèm theo đó, hãy thử áp dụng cảm biến tự động khi tàu đến. Nên áp dụng nhiều công nghệ để đảm bảo an toàn, và cũng nên hạn chế số khách tham quan…”.