“HOT” VÌ ĐÂU
Câu “bao giờ có tàu”, theo các cư dân phố cà phê đường tàu, thể hiện sự háo hức với những con tàu, và thể hiện cả ý thức an toàn tính mạng của các vị khách.
Chị Mai, 38 tuổi, nhà ở số 40 Chắn 5 Đường Tàu (đoạn cuối Phùng Hưng) kể: Khách đến đây có khi nhiều lần trong ngày, quay đi quay lại, có khách quay lại nhà cô 5 lần. Họ đến Hà Nội, đến cà phê đường tàu, xong đi Ninh Bình, Hạ Long rồi trở về Hà Nội lại tìm đến đây. “Tôi đi Ninh Bình, không hiểu sao ít món để ăn. Tôi nhớ món nem chay của mẹ cô quá”- Mai thuật.
Phố đường tàu sốt lên đến đỉnh mới vài tháng nay thôi. Ngược dòng lịch sử, hai năm trước, một số người nước ngoài khám phá ra nơi này, quay phim đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người tò mò tìm đến. Thế rồi 7- 8 tháng trước, khi tạp chí du lịch nổi tiếng National Geographic Traveler lăng xê phố đường tàu, thì độ quan tâm càng tăng. Bức ảnh phố đường tàu lên trang nhất của tạp chí nhanh chóng đạt 450.000 lượt thích, còn bài trong đó kể lại trải nghiệm như: “Một buổi ở cà phê đường tàu Hà Nội, nhâm nhi ly cà phê trứng…Tôi yêu những con tàu và nói thật, tôi khá sợ khi một con tàu lướt nhanh qua mình”.
Tôi đến phố đường tàu không để giải khát cũng không “đu trend” (tiếng lóng của dân mạng). Đến rồi về xem rất nhiều video clip của du khách, để cắt nghĩa điều này: Người ta tìm thấy gì ở đây?
Và tôi đồng ý với một cư dân phố đường tàu, vốn là một hướng dẫn viên du lịch, rằng: Du khách đương nhiên thích thú tham quan các địa danh gắn với lịch sử và văn hóa Hà Nội, nào cảnh đẹp, di tích, đền chùa miếu mạo lăng tẩm… Nhưng, họ cũng đặc biệt hứng thú khám phá cuộc sống đời thường của người dân, mà phố cổ, hoặc phố đường tàu- của hiếm, là ví dụ.
Mà ngay phố cổ, phố đi bộ cũng không thể thỏa mãn mọi du khách. Một số người cho biết họ chưa thấy quá nhiều nét đặc sắc ở nơi này, kể cả khi nó có âm nhạc đường phố, có đồ lưu niệm, có uống ăn. Chợ đêm (từ Hàng Đào đến Đồng Xuân) trớ trêu thay hàng Trung Quốc
là chính.
Những nơi như phố đường tàu dân dã này, phù hợp với các bạn thích trải nghiệm, thậm chí với túi tiền eo hẹp. Ngồi xơi những món ăn nhanh rẻ tiền, truyền thống của Việt Nam như mì xào, cơm rang, bún chả, bánh mì, ly cà phê trứng… và còn được ngắm cảnh, được giao lưu với người dân, giao lưu với du khách khác từ khắp thế giới đổ về. Vừa trải nghiệm vừa khám phá.
Không phải ai đến Hà Nội cũng đủ tiền thuê hướng dẫn viên địa phương. Nhiều khi họ chỉ mò mẫm qua guidebook hoặc truyền miệng, rồi mạng xã hội, còn đến nơi như phố đường tàu, họ có thể kết nối thông tin và nhiều điều thú vị khác, chả mất chi phí gì. Vân vân.
Ngồi uống ly nước dừa ở phố đường tàu mà nhiều người chỉ nghe nói đã lè lưỡi này, tôi không thể không tò mò: những người đến đây, họ làm những gì ở đây. Không còn chốn nào vui hơn sao? Sau một hồi quan sát, rồi về nhà vào mạng xem thêm các clip do mọi người đưa lên, và tìm được câu trả lời. Riêng chuyện chụp ảnh sao cho đẹp-độc chẳng hạn, đã cực phong phú, chưa nói những chuyện khác! Nhiều người còn thích làm xiếc giữa đường tàu. Nhảy nhót tưng bừng, hát nữa. Trông thì hay đấy nhưng khiến người ta bất giác nhìn lên tường xem sắp đến giờ tàu chạy qua chưa để còn nhắc nhở.
XIN ĐỪNG COI CHÚNG TÔI NHƯ NHỮNG KẺ “ĂN BÁM ĐƯỜNG TÀU”…
Những cư dân là chủ quán ở xóm đường tàu cho tôi biết, mối quan tâm của du khách nước ngoài đối với họ cũng giống tôi thôi: đầu tiên là hỏi “sống ở đây lâu chưa, có ổn không, có quen được không, có nguy hiểm không”… Tôi nói thêm: “Không chỉ người Việt mà một số bạn nước ngoài cũng cho rằng “không thể đổi sở thích lấy an toàn tính mạng và luật pháp. Biết chứ?”.
Và họ trả lời tôi, như những người khách kia, về câu hỏi sống vậy có quen không, không sợ chút nào sao: “Mấy chục năm rồi, trẻ em người già đều quen với đường tàu, và tàu chạy qua. Muốn chuyển đi đâu cũng khó vì không dư dả vật chất, vả lại tàu chỉ chạy qua vài phút trong ngày. Chúng tôi chấp nhận sự bất tiện đó và hài lòng với những điều có lợi hơn. Ví dụ 5 phút là ra đến chợ, 10 phút ra Bờ Hồ, 15 phút ra Lăng Bác…Trường học, bệnh viện đều gần cả. Cuộc sống có những nguy cơ, không an toàn thật, khó khăn thật nhưng không phải bỗng chốc thay đổi được…”
“Hãy đừng xem chúng tôi như những hộ kinh doanh chỉ biết đến lợi ích mà bất chấp nguy hiểm, “mọi rợ”, “ăn bám đường tàu”… Chúng tôi chỉ là những người dân bình thường cần sống, cần mưu sinh, khác biệt chăng là sống tại nơi “lạ và độc”, “khác người”, “đầy nguy cơ”, “đùa giỡn với tử thần”…-Những lời lẽ thống thiết trong bức thư ngỏ viết ngày 16/10 của dân Chắn 5 phố Đường Tàu gửi cộng đồng. Sau khi hồi hộp chờ phản hồi của chính quyền Hà Nội về lá đơn đề nghị đề ngày 10/10.
Lá thư ngỏ kết luận: “Trên hết, dù địa điểm có hot, đẹp, độc đáo, nổi tiếng đến đâu nhưng “an toàn tính mạng là trên hết”. Tha thiết mong chờ các vị lãnh đạo xem xét các đề xuất của chúng tôi để có một xóm đường tàu vừa an toàn vừa văn minh cho du khách, mở ra góc nhìn tích cực hơn… Xin cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng thời gian qua…”.(còn nữa)
“Dừng khẩn cấp là vì vi phạm ở “vòm cây”
Về sự cố khiến tàu phải dừng khẩn cấp lúc 15h20 chiều 6/10, dân Chắn 5 Đường Tàu: “Đầu Phùng Hưng đoạn gần phố bích họa có một khu “vòm cây” được nhiều bạn trẻ đổ đến check in vì thấy lãng mạn giống phim Hàn Quốc. Đoạn đó không có nhà dân sinh, không lối thoát hiểm mà các bạn trẻ lại bất cẩn. Do tính kỹ thuật, tàu cần hãm dừng một khoảng cách nhất định. Do đó hôm 6/10 tàu phải dừng sớm tại xóm đường tàu, chủ yếu là đuôi tàu. Thực chất là dừng vì vi phạm ở khu vực trên, chứ không phải do sự đông đúc hỗn loạn của phố cà phê đường tàu khiến tàu phải dừng
khẩn cấp”.
Ông Uông Đình Hùng, Phó Trưởng phòng Vận tải- ATGT Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho biết trong một tọa đàm về ẩn họa đường sắt: “Hôm đó tàu đến km số 1 thuộc phường Hàng Mã thì phải dừng khẩn cấp để chờ du khách di chuyển khỏi đường ray ở vị trí an toàn”. Nghĩa là nơi hiểm họa không phải khu vực xóm cà phê đường tàu- vốn thuộc phường Cửa Đông và Hàng Bông.