Tăng thời lượng chất vấn
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo dự kiến kỳ họp thứ 3 sẽ khai mạc ngày 22/5 và kéo dài đến 20/6. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật. Riêng phần chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được bố trí 3 ngày, tăng 0,5 ngày so với trước đây. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ không mở rộng đối tượng chất vấn mà chỉ tăng thời lượng cho đại biểu phát huy tranh luận.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 3 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 là dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu; dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng tình với đề nghị bổ sung trên, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo về chất lượng và thời gian trình ra Quốc hội. Theo ông Hiển, Nghị quyết về nợ xấu rất quan trọng, đòi hỏi yêu cầu cao không kém dự án luật nên quy trình phải hết sức chặt chẽ. Quy trình có thể rút gọn, nhưng phải qua 2 vòng tiếp thu, chỉnh lý và xin ý kiến. Với Luật Các tổ chức tín dụng, dứt khoát cũng phải được cho ý kiến trong 2 kỳ. Nếu trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4 này, Chính phủ không chuẩn bị kịp thì dừng lại, không đưa vào chương trình vì quá cập rập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét nghị quyết về xử lý nợ xấu, như vậy Chính phủ phải trình ngay tại phiên họp tháng 4 này, nếu đợi đến phiên họp thứ 5 thì không kịp. Riêng nghị quyết này nếu rút gọn cũng phải cho ý kiến 2 vòng trong một kỳ họp.
Không có kế hoạch sẽ không có đầu tư
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi thiếu nội dung quan trọng là cho ý kiến và thông qua các công trình trọng điểm quốc gia, như đường cao tốc Bắc- Nam, dự án chống ngập ở TPHCM và dự án nâng cấp đường sắt Bắc- Nam. “Đã yêu cầu bố trí 80 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các dự án này rồi nhưng nay nội dung không thấy nói đến. Nếu dừng lại thì sẽ mất thêm 6 tháng, trong khi đó vốn không giải ngân được sẽ lãng phí”, ông Hiển đề nghị làm rõ vấn đề này.
Về chuẩn bị công trình đầu tư công trung hạn, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, tháng 4 này cho ý kiến chốt lần nữa. Đến 30/4, bộ ngành, địa phương nào chưa hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn thì nguồn vốn đó đưa hết vào dự phòng, 5 năm tới sẽ không có đầu tư nữa. Riêng công trình trọng điểm quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn, đã bố trí 80 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, nhưng đến nay chưa thấy có gì để báo cáo ra Quốc hội.
Giải trình một số băn khoăn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, Nghị quyết xử lý nợ xấu và sửa đổi một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Chính phủ đã họp một phiên chuyên đề, thảo luận kỹ và Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, trong ngày 18/4 sẽ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các công trình trọng điểm quốc gia, sáng 17/4, Thủ tướng đã đồng ý với Bộ GTVT, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký gửi Quốc hội dự án đường cao tốc Bắc- Nam và việc giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành.
Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần ba về dự án Luật Quy hoạch. Vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là, liệu có kịp sửa 32 luật có liên quan khi Luật Quy hoạch ban hành. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện đã nghiên cứu đưa ra danh mục các luật cần sửa cho đồng bộ với Luật Quy hoạch. Trước mắt có thể sửa 28 luật liên quan, còn 4 luật phức tạp như xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, phải sửa căn cơ nên có thể để sau.
Thành Nam